Link Video: https://youtu.be/zHlYGhHx-G4
Ngày 4/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 14 ngàn người mất việc trong tháng 10”.
Theo đó, có hơn 14.200 người mất việc trong tháng 10, tăng 17% so với tháng trước. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, số lao động thất nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh tăng 11% so với cùng kỳ.
RFA dẫn lời bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, cho truyền thông hay, số người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng, riêng trong tháng 10, đã có hơn 14.200 người mất việc. Tính cả 10 tháng đầu năm nay, có trên 142.700 lao động thất nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Thục, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cắt giảm nhân sự, vì gặp khó khăn đơn hàng, thu hẹp sản xuất, hoặc người lao động nghỉ để chuyển đổi công việc khác.
RFA dẫn số liệu của Sở Lao động Thương binh Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm tới nay, có 46 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc, với số lao động mất việc là 4.022 người; tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, con số mà Sở Lao động đưa ra, chưa bao gồm số lượng người lao động bị mất việc theo hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, như trường hợp ở Công ty Trách nhiệm Hữu hạn PouYuen giảm hơn 9.000 lao động.
Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trên cả nước, tỷ lệ thiếu việc làm quý III năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất.
Tổng cục Thống kê cho rằng, do tác động của thị trường thế giới, khiến các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 vào khoảng 940,9 nghìn người, tăng 0,2 nghìn người so với quý trước và tăng 69,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý III/2023 là 1,83%, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,19%).
VnEconomy vào đầu tháng 9 cho hay, tình hình nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng khá bi quan, khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%.
Điều này khiến khả năng đạt được mức tăng trưởng 6% cả năm như chỉ tiêu đề ra, là bất khả kháng.
Theo VnEconomy, Chính phủ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tối đa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, với 3 động lực.
Động lực thứ nhất: Tập trung tăng trưởng khu vực dịch vụ, đây là điểm nhấn để nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch.
Động lực thứ hai: Tập trung củng cố trụ đỡ rất quan trọng cho nền kinh tế là khu vực nông nghiệp, bởi hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng lương thực, trong khi Việt Nam lại có mức độ xuất khẩu nông sản tốt.
Động lực thứ ba: Kích thích thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy, 3 động lực của Chính phủ chỉ mang tính hô hào, khó có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Bởi thực tế, ngành du lịch Việt Nam đang chết thảm, từ đầu năm đến nay lượng khách quốc tế sụt giảm thê thảm; khách nội địa cũng không có nhiều, do suy thoái kinh tế nên người dân thắt chặt chi tiêu.
Ngành nông nghiệp đáng lẽ cần được quan tâm và đầu tư đúng mực trong dài hạn. Nhưng suốt mấy chục năm qua, Việt Nam chỉ chú trọng phát triển công nghiệp và bất động sản, coi thường nông nghiệp, khiến đất đai canh tác bị thu hẹp, chất lượng hàng nông sản kém, không có tính cạnh tranh.
Khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã lạc hậu, bởi chất lượng hàng Việt Nam quá kém và độc hại. Không còn ai vì “yêu nước” mà hủy hoại sức khỏe cũng như hoang phí tài chính cá nhân để mua những sản phẩm như vậy.
Minh Vũ
>>> Khi lòng tham đội lốt chính sách phát triển, sẽ có vô số Long Sơn khác nổi lên! (bài cuối)
>>> Công an, tòa án và tuyên giáo bày thiên la địa võng, dân Long Sơn – Nghi Sơn hết đường! (bài 5)
>>> Tại sao các nước Ả Rập sợ người Palestine
Các tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp báo chí