Link Video: https://youtu.be/HcQiJ3T25JY
Ngày 12/11, báo Tuổi Trẻ loan tin “Một doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh vì hết tiền”.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội – một doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên sàn UPCOM (sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty chưa niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán) – đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cấp về việc tạm ngừng kinh doanh một năm để tìm hướng đi mới. Công ty này sẽ ngừng kinh doanh từ 15/11/2023 đến 14/11/2024.
Tuổi Trẻ cho biết, hôm 31/10, Hội đồng Quản trị của PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án, và năm 2023, doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến, năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động.
Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét, tìm kiếm giải pháp, phương hướng, để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Theo Tuổi Trẻ, tình hình kinh doanh của PVR khá khó khăn, từ năm 2022 đến nay không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào.
Tại báo cáo tài chính quý 3/2023, mục doanh thu để trắng. Trong khi, vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý 3. Còn lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9 là gần 79 tỉ đồng.
Tuổi Trẻ dẫn báo cáo tài chính 2022 của PVR, trong đó, đơn vị kiểm toán lưu ý về một số khoản đầu tư của PVR vào Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (21,35 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Khách sạn dầu khí Lam Kinh (5 tỉ đồng). Ngoài ra, PVR còn chịu rủi ro khi dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên bị thu hồi.
Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ cho hay, một số doanh nghiệp khác đang làm thủ tục giải thể, bất động sản bao giờ phục hồi?
Khó khăn của thị trường chung khiến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Đất Xanh cũng khó ngoại lệ. Báo cáo tài chính quý 3/2023 của Đất Xanh ghi nhận, cơ cấu tổ chức của Tập đoàn này gồm 86 công ty con. Tuy nhiên trong số này, không ít công ty đang làm thủ tục giải thể, như Công ty Cổ phần Bất động sản miền Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đất Xanh Finance, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Bình Phước, Công ty Cổ phần Đầu tư Diamond Tower, Ruby Tower, Sapphire Tower, Emerald Tower.
Tuổi Trẻ dẫn báo cáo quý 3/2023 mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa hoàn toàn và diện rộng.
Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, “sống bằng niềm tin” rằng, thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Tuổi Trẻ cũng cho hay, kết quả khảo sát gần đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam với các hội viên, có tới 60% số người được hỏi cho biết, khách hàng của họ sẽ đầu tư bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm.
Trước đó, ngày 30/10, cũng báo Tuổi Trẻ cho biết “Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh bên bờ vực phá sản”.
Tuổi Trẻ dẫn báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Nhân dân thành phố, cho biết, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất, không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường khó phục hồi, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra, đó là, do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, giá cả tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.
Xuân Hưng
>>> Chợ truyền thống ế ẩm, cảnh đìu hiu bao giờ mới hết?
>>> Vì sao trái cây Trung Quốc vào Việt Nam vẫn không bị kiểm soát?
>>> Làm ngơ vụ lấp biển ở vịnh Hạ Long, chính quyền tự vẽ bộ mặt thật của mình
>>> Chủ tịch nước đi thăm Mỹ và sự kỳ vọng vào việc đầu tư từ Mỹ sẽ cứu nền kinh tế Việt Nam
Dự án “thành phố thông minh” đem lại những gì cho Hà Nội?