Link Video: https://youtu.be/p1t-zvWL208
Ngày 13/11, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết bài “Hà Nội thu được bao nhiêu tỷ USD từ 272 ha đất chân cầu Nhật Tân?” trên trang Facebook cá nhân của mình.
Theo tác giả, có người nghe nói triển khai dự án “thành phố thông minh” diện tích 272 ha tại chân cầu Nhật Tân, đã khấp khởi mừng. Vì nghĩ rằng, các tòa nhà chung cư xây dựng tại “thành phố thông minh”, sẽ được phân phối miễn phí cho người dân, giống như các khu tập thể Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ ở những năm 1970.
Họ quên mất, mỗi mét vuông nhà ở “thành phố thông minh” sẽ có giá phải mua nhiều ngàn USD, mỗi chỗ để xe cũng phải trả phí dịch vụ, lên tháp cao tài chính 108 tầng để ngắm cảnh thành phố phải trả tiền, vào các khu vui chơi giải trí ở các công viên cũng phải mua vé. “Thành phố thông minh” – thông minh đầu tiên ở chỗ biết cách thu tiền. Không có gì là miễn phí.
Tác giả đặt câu hỏi: Vậy khu đất “thành phố thông minh” rộng 272 ha tại chân cầu Nhật Tân, sẽ mang về cho Hà Nội bao nhiêu tỷ USD, từ tiền đấu giá sử dụng đất?
Dùng một phép tính đơn giản, với mức giá 10.000 USD/ mét vuông, tác giả tính ra được số tiền mà Hà Nội có thể thu về là 27,2 tỷ USD.
Tác giả cho rằng, nếu cấp đất chỉ để lập quy hoạch, vẽ những tòa nhà thật đẹp, làm hạ tầng cơ sở, sau đó xây chung cư để bán, thì người dân Hà Nội hoàn toàn không cần.
Thủ đô Hà Nội rồi còn tiếp tục thu hồi nhiều ngàn ha đất nữa để phát triển đô thị. Nếu đấu giá công khai, thì sẽ thu được nguồn tài chính khổng lồ, đủ để xây mới các tuyến đường ngầm và trên cao, xoá nạn tắc nghẽn giao thông, đủ để giải quyết vấn đề 2, 3 bệnh nhân nằm chung giường, đủ để mua thiết bị giúp cho công nhân vệ sinh môi trường thôi phải đẩy những chiếc xe gom rác cao quá đầu trong chiều 30 Tết… , đủ để làm rất nhiều việc trọng đại cấp thiết khác.
Tác giả nhận xét, vấn đề “Thành phố thông minh” còn đặt ra cho “Hội đồng Lý luận Trung ương” một thực tế khác, về “Chủ thuyết giai cấp” và vấn đề “Sở hữu toàn dân”.
Ở nước ta hiện nay, nông dân không sở hữu đất đai. Sự thuê đất tạm thời của nông dân chỉ có thời hạn 50 năm, và đối mặt với nguy cơ bị thu hồi bất cứ lúc nào.
Đất đai nằm trong tay của người nông dân, nhưng họ không biết kinh doanh, không được buôn đất, mà phải nhường cho người khác lấy đất, phát triển bất động sản, để bán lại cho họ. Còn công nhân cũng không biết đi buôn, không thể làm nhà đầu tư, các dự án bất động sản không phải của công nhân, nên công nhân mãi mãi ở vị trí làm công ăn lương.
Tác giả tiếp tục đặt câu hỏi: Tình thế của giai cấp công nhân nước ta như vậy, có cho phép họ nắm vị trí lãnh đạo, làm giai cấp tiên phong được không?
Và tác giả phân tích, không chỉ vấn đề giai cấp công nhân không thể giữ vai trò tiên phong, không thể làm lãnh đạo, vì không biết làm giàu, mà hiện nay, cả giai cấp công nhân lẫn giai cấp nông dân đều không sở hữu đất đai.
“Sở hữu toàn dân” trên thực tế cũng không thuộc quyền của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. “Sở hữu toàn dân” đang từng mảng lớn chuyển sang thuộc sở hữu của những người giàu có.
Vậy thì “Sở hữu toàn dân” tồn tại có lợi cho ai?
Cuối cùng, tác giả đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, quan tâm đến hàng trăm ngàn ha đất đang được đầu tư vào bất động sản, mà không qua đấu giá. Đây là vấn đề lớn mà các vị đại biểu Quốc hội cần đầu tư “chất xám”. Sự thất thoát từ không đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị cả ngàn tỷ USD, nhiều gấp triệu lần lợi ích đấu giá biển số xe.
Hoàng Anh
>>> Chợ truyền thống ế ẩm, cảnh đìu hiu bao giờ mới hết?
>>> Vì sao trái cây Trung Quốc vào Việt Nam vẫn không bị kiểm soát?
>>> Làm ngơ vụ lấp biển ở vịnh Hạ Long, chính quyền tự vẽ bộ mặt thật của mình
>>> Chủ tịch nước đi thăm Mỹ và sự kỳ vọng vào việc đầu tư từ Mỹ sẽ cứu nền kinh tế Việt Nam
Sau 4 năm, chính quyền tăng hỗ trợ đất Vườn rau Lộc Hưng thêm 4 triệu đồng một mét vuông