Nếu bứng được Phạm Minh Chính vào giữa nhiệm kỳ, thì đấy là kết quả được xem là “như mơ” của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Điều này không những có lợi cho ông Bộ trưởng Bộ Công an, mà còn có lợi cho ông Chủ tịch Quốc hội. Bởi thất bại trước Phạm Minh Chính ở Đại hội 13 vừa qua là một cú ngã đau với Vương Đình Huệ.
Với người từng nắm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ, từng nắm chức Phó Thủ tướng, và quan trọng nhất, là người được đào tạo về kinh tế, thì Vương Đình Huệ được đánh giá là xứng đáng để ngồi vào ghế Thủ tướng hơn ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu trên chính trường không bằng Phạm Minh Chính, nên Vương Đình Huệ chấp nhận làm “kẻ thua cuộc” tạm thời.
Việc ông Phạm Minh Chính đi đường vòng mà còn nhanh hơn ông Tô Lâm đi đường thẳng, thì điều đó cho thấy, khả năng chiến đấu trên chính trường của ông Phạm Minh Chính quả là đáng nể. Còn đáng nể hơn, khi mà ông Phạm Minh Chính có thể nhảy ngang từ Ban Bí thư sang Chính phủ, để nắm lấy chức Thủ tướng.
Cả ông Vương Đình Huệ và ông Tô Lâm đều không phải là đối thủ của ông Phạm Minh Chính, nếu những ông này không liên thủ liên kết.
Một người gần gũi với ông Thủ tướng đánh giá rằng, ý đồ bứng ông Phạm Minh Chính đã và đang được các ông Tổng Bí thư Trọng, Tô Lâm và Vương Đình Huệ ấp ủ. Tuy nhiên, đã gần 3 năm trôi qua, mà ông Phạm Minh Chính vẫn sừng sững, chưa có dấu hiệu gì lung lay. Vụ chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á cũng không lôi được ông Thủ tướng vào tròng, vì vậy, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, rất khó để phe ông Tổng Bí thư tìm được lý do nào khác để hạ bệ ông Thủ tướng.
Hiện nay, cả ông Tổng Bí thư và ông Tô Lâm đều đang dí vào vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc bảo vệ bà Nhàn không chỉ là việc của ông Thủ tướng, mà còn có bàn tay của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bởi nếu bà Nhàn bị bắt, thì sự nghiệp chính trị của ông Phan Văn Giang cũng khó mà được yên ổn.
Việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi quá lâu ở ghế Tổng Bí thư, được đánh giá là mang đến thuận lợi, nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho cả ông Tô Lâm và ông Vương Đình Huệ. Thuận lợi là hai ông này có chỗ dựa để chiến với Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, nếu không bứng được ông Chính, thì chính ông Trọng lại là người chiếm chỗ, làm mất cơ hội cho cả ông Chủ tịch Quốc hội và ông Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay.
Ông Trọng hiện đã quá già. Đến Đại hội 14, ông đã 82 tuổi. Có người cho rằng, đến Đại hội 14, ông Trọng có độ tuổi bằng với tuổi của Tổng thống Mỹ hiện nay, nên vẫn có thể nắm quyền.
Có lẽ ông Trọng cũng nghĩ thế chăng? Tuy nhiên, điều quan trọng là sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng rất yếu.
Hiện nay, sức khỏe của ông đã rất yếu, thì sau 2 năm nữa, ắt hẳn ông còn yếu hơn. Đến lúc đó, rất khó để ông Trọng tiếp tục nắm quyền. Dù sao, đấy là đánh giá khách quan, còn chủ quan thì ông Trọng là người tham quyền, rất khó để thuyết phục ông rời ghế, nếu không có bệnh tật hiểm nghèo tấn công ông.
Phương án 2 cho ông Tô Lâm là ông Nguyễn Phú Trọng rút vào cuối nhiệm kỳ, ông Vương Đình Huệ sẽ được đôn lên ghế Tổng Bí thư, và Tô Lâm trám vào ghế Chủ tịch Quốc hội.
Tuy nhiên, đấy chỉ là giả thuyết, nếu ông Trọng chịu rút và Phạm Minh Chính không chiếm lấy ghế Tổng Bí thư. Còn nếu đến Đại hội 14 mà Phạm Minh Chính chiếm được ghế Tổng Bí thư, thì rất khó cho ông Tô Lâm. Bởi có khả năng, ghế Thủ tướng sẽ không về tay Vương Đình Huệ, mà về tay người khác, trong đó, Trần Lưu Quang là một gương mặt sáng giá.
Việc vào Tứ trụ đối với ông Tô Lâm, không những là tham vọng, mà còn là chuyện sống còn. Bởi một khi ông hết quyền lực, thì không biết tai họa nào sẽ ập đến, bởi kẻ thù trong Đảng của ông quá nhiều.
Ý Nhi – Thoibao.de