Link Video: https://youtu.be/9YO9PIilmsA
Ngày 21/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Tập đoàn năng lượng tái tạo Orsted dừng toàn bộ kế hoạch điện gió ngoài khơi Việt Nam”.
Theo đó, Tập đoàn năng lượng tái tạo Orsted do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối, quyết định tạm dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
RFA cho biết, tờ báo mạng Vietnam Finance loan tin ngày 21/11, dẫn nguồn từ Orsted Việt Nam, về kế hoạch không nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các công tác khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, cho Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam; cũng như, sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của hai bên.
Orsted sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với đối tác Việt Nam.
Theo RFA, vào giữa tháng 10, liên danh Orsted và T&T Group tại Việt Nam cũng có thông báo đến Ủy ban Nhân dân hai địa phương là Hải Phòng và Thái Bình, về quyết định dừng các dự án tại Việt Nam; không tiếp tục đầu tư, phát triển hai dự án siêu điện gió ngoài khơi mà liên danh thực hiện trong thời gian qua.
RFA cho biết thêm, Orsted đến Việt Nam vào năm 2021. Ngày 1/11/2022, liên doanh T&T Group và Orsted đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam, trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Ngày 22/11, báo Cafebiz cho biết, sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, Orsted đã có những đề xuất táo bạo, nhiều hoạt động nghiên cứu có giá trị và một kế hoạch đầu tư điện gió lên đến 30 tỷ USD, để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, cùng với Tập đoàn T&T.
Nhưng sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Cafebiz cho rằng, việc Orsted dừng đầu tư tại Việt Nam gây bất ngờ cho nhiều người, bởi Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.
Cafebiz dẫn Orsted cho hay, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng. Ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, vẫn phải chờ kế hoạch xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ, cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất, nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, vào tháng 12/2022, G7 đã công bố gói tài chính 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon, theo thỏa thuận Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Theo thỏa thuận này, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy công bằng và công lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam liên tục bắt giữ các nhà hoạt động môi trường, bất chấp quốc tế phản đối. Những nhà hoạt động môi trường bị bắt gồm: Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Hoàng Thị Minh Hồng và mới nhất là Ngô Thị Tố Nhiên. Họ đều bị quy kết với những bản án bất công và vô lý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt giữ các nhà hoạt động môi trường nhằm ngăn cản họ tiếp cận quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Bởi khi có mặt họ, quan chức khó bề tham nhũng.
Đồng thời, các chính sách của Việt Nam vẫn thể hiện sự ưu tiên đối với năng lượng hóa thạch và thủy điện, bởi những nhóm lợi ích đã ăn sâu bén rễ trong lĩnh vực này.
Tập đoàn Orsted là tập đoàn thứ hai ngừng kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn Intel của Mỹ cũng đã công bố ngừng kế hoạch đầu tư mở rộng ở Việt Nam và chuyển đầu tư sang nước khác.
Quang Minh
>>> Nếu Lưu Bình Nhưỡng bị ghép tội chống Đảng và là án điểm, thì Huệ và Thưởng sẽ ra sao?
>>> Lưu Bình Nhưỡng, người nắm giữ bí mật quan chức còn khủng hơn Tổng cục 2?
>>> Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan gì đến vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan?
>>> VinFast bị kiện tại Mỹ buộc Vượng nghênh chiến. Liệu VinFast có “qua nổi con trăng này”?
Dân oan vô vọng, hụt hẫng vì ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt