Chưa bao giờ, câu triết lý “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” của trùm xã hội đen Năm Cam, lại được các quan chức nhà nước Việt Nam và các doanh nhân, đại gia và các tỷ phú, áp dụng một cách lão luyện như thời điểm hiện nay.
Vụ án Vạn Thịnh Phát mà bà Trương Mỹ Lan trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã chiếm đoạt lên tới 304 ngàn tỷ đồng, là một ví dụ điển hình. Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan sẵn sàng “chơi đẹp”, hối lộ cho một lãnh đạo cấp vụ là bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, với số tiền cực lớn, lên đến 5,2 triệu USD.
Công luận thấy rằng, đây là một thảm họa của công tác thanh, kiểm tra và giám sát của bộ máy nhà nước ở Việt Nam. Vụ này cho thấy những lỗ hổng vô cùng lớn, đồng thời bộc lộ ra những yếu kém trầm trọng của bộ máy nhà nước. Một “con voi” to đùng đã chui lọt qua “một lỗ kim” nhỏ xíu, của cả hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã đưa ra một tuyên bố, được ví như một trái bom tấn, khi ông Hòa nói rằng: “vụ đại án Vạn Thịnh Phát mới chỉ là “phần nổi” của đại nạn chưa bị lộ.”
Báo Dân Việt ngày 21/11 đưa tin, dưới tiêu đề “Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ”. Theo đó, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại nghị trường.
Phát biểu thảo luận liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã làm khống cả ngàn hồ sơ, để vay và chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của Ngân hàng SCB, trong đó có trên 500 nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.
Thậm chí, Trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ tiền mặt lên tới 5,2 triệu USD. Đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng bị thất thoát cũng nhiều nhất.
Vẫn theo ông Hòa khẳng định: “Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”. Điều đó có nghĩa là, còn có rất nhiều các đại án tương tự chưa bị lộ.
Việc để tồn tại các Tập đoàn kinh doanh bất động sản, có sở hữu chéo, có ngân hàng riêng, khiến họ dễ dàng lũng đoạn. Nghĩa là, họ vừa là chủ ngân hàng, lại vừa là doanh nghiệp đi vay ngân hàng để buôn đất, để đầu tư sản xuất… Điều này cho phép các doanh nghiệp cỡ lớn dễ dàng gian lận, theo kiểu, tự xin vay bằng tay trái và tự cho vay bằng tay phải.
Qua phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, dư luận đánh giá rằng, “cái tảng băng chìm” – tức là các hoạt động liên quan đến việc cấp tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam – lâu nay vẫn đầy rẫy vi phạm, nhưng suốt hàng chục năm qua vẫn không bị lộ. Lý do là luôn có tiền lót tay khá dày cho các quan chức chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng. Mà một khi đã nhận hối lộ, thì họ sẽ “ngậm miệng ăn tiền”.
Trao đổi với phóng viên của thoibao.de về tình trạng vừa kể, một cựu lãnh đạo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã nghỉ hưu, tiết lộ, với yêu cầu dấu danh tính vì vấn đề an ninh:
“Liên quan đến những hệ lụy xấu trong hoạt động của ngân hàng ở Việt Nam, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 15 năm từng cảnh báo: Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, đa số là các ngân hàng nhỏ, hoạt động thiếu minh bạch. Đặc biệt về tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.”
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB của bà Trương Mỹ Lan ra đời trong bối cảnh đó. Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm 3 ngân hàng nhỏ vào năm 2011, với người nắm giữ cổ phần lớn nhất, trên 90%, chính là bà chủ Trương Mỹ Lan.
Ngay từ đầu, trong hoạt động của Ngân hàng SCB, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hầu như không sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng, mà toàn sử dụng tiền mặt. Đến mức, tiền mặt được chở bằng ô tô trong các giao dịch, là điều hết sức bất thường.
Hơn nữa, việc mua bán tài sản, cổ phần của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, còn không cần có giấy tờ làm bằng. Với cách thức kinh doanh như vậy, giới chuyên gia cho rằng, đúng theo bài của các băng đảng mafia, để phục vụ cho việc rửa tiền. Không có giấy tờ bằng chứng gì cả, chỉ bằng niềm tin và sự ràng buộc bằng luật của thế giới ngầm.
Vậy tại sao, bộ máy An ninh Kinh tế và hệ thống tình báo của Việt Nam, suốt 12 năm không hề phát hiện ra để xử lý sớm? Hay là triết lý, “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” của trùm xã hội đen Năm Cam, đã xâm nhập tới cả những lĩnh vực này, kể cả Bộ Công an cũng như Bộ trưởng Tô Lâm?
Thoibao.de sẽ có câu trả lời tới quý vị trong các phần bình luận sau./.
Trà My – Thoibao.de