Link Video: https://youtu.be/R8ltD1Jg0Go
Ngày 29/11, BBC Tiếng Việt loan tin “Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế “phi pháp” của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan”.
BBC trích tuyên bố ngày 25/11 của Hạm đội 7 Mỹ, rằng:
“Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những hạn chế phi pháp do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt [trên Biển Đông.”
BBC cho biết, Hải quân Mỹ tuyên bố, tàu chiến USS Hopper đã thực thi hoạt động vì nền tự do hàng hải trên Biển Đông, gần quần đảo Paracel, mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.
Tuyên bố của phía Mỹ nêu, “Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền liên quan đến quần đảo Paracel [Hoàng Sa]. Tất cả ba bên đều yêu cầu phải được thông báo hoặc cho phép, trước khi một tàu quân sự hoặc tàu chiến đi vào “lộ trình vô thưởng vô phạt này” thông qua vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, điều này vi phạm luật pháp quốc tế.”
Theo BBC, Hạm đội Mỹ cũng viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, trong đó nêu, tàu của tất cả các quốc gia – bao gồm tàu chiến của họ – đều có quyền di chuyển qua những lộ trình “vô thưởng vô phạt”, và việc ngăn chặn là “bất hợp pháp“.
Quân đội Mỹ cũng lặp lại tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, bảo vệ các quyền tự do hàng hải và hợp pháp cho tất cả các quốc gia, nhấn mạnh tự do hàng hải giữ vai trò rất quan trọng đến nền an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
“Những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và có quy mô sâu rộng trên Biển Đông, tạo nên một mối đe dọa nghiêm trọng đến nền tự do hàng hải, bao gồm quyền tự do di chuyển và bay trên vùng trời, nền thương mại tự do và giao thương không bị can thiệp, và tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển trên Biển Đông“, theo tuyên bố.
Trước đó, BBC cho hay, quân đội Trung Quốc đã tiến hành “truy vết, theo dõi và cảnh báo xua đuổi” tàu chiến Mỹ, theo một bài đăng trên mạng xã hội WeChat chính thức của Quân khu miền nam – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, hôm thứ Bảy 25/11.
Vẫn theo BBC, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.
Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tuyên bố của tòa là “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên ở các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.
BBC cũng cho biết, Trung Quốc tuyên bố, vụ tàu chiến USS Hopper di chuyển qua Biển Đông, “minh chứng rằng, Mỹ là một “quốc gia tạo rủi ro an ninh” triệt để trên Biển Đông”.
Cụ thể, Bộ Tư lệnh Chiến khu Phía Nam của quân đội Trung Quốc, hôm 25/11, trên mạng xã hội WeChat, đã phản đối tàu khu trục Mỹ trong vùng biển “thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và đã “không xin phép trước”. Bắc Kinh cho biết thêm, đã phải triển khai lực lượng “trên biển và trên không để theo dõi và xua đuổi” tàu khu trục của Hoa Kỳ.
BBC cho biết thêm, Philippines và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển và trên không, vào thứ Bảy 25/11, vài ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Manila cho các lực lượng nước ngoài cùng tham gia tuần tra trên Biển Đông, ám chỉ đến cuộc tuần tra chung do quân đội Mỹ và Philippines tiến hành.
Trung úy Kristina Weidemann, phó phát ngôn viên của Hạm đội 7, trong một tuyên bố được email đến báo chí quốc tế, nêu: “Mỹ thách thức các tuyên bố hàng hải vượt mức cho phép trên khắp thế giới, bất chấp quốc gia tuyên bố là ai“.
Quang Minh
>>> Vì sao Orsted rời khỏi Việt Nam?
>>> Viết thuê luận văn, luận án – sự khốn nạn tột cùng
>>> Vì sao vật tư y tế giá rẻ của Trung Quốc tràn lan trong bệnh viện công?
>>> Cho nộp tiền để giảm án tham nhũng – đi ngược nguyên tắc pháp quyền
Giáo dục Việt Nam bệnh hoạn hết thuốc chữa