Chuyện vi phạm các quy định về xây dựng ở Việt Nam, là “chuyện thường ngày ở huyện”, và đang diễn ra tràn lan trên khắp cả nước.
Mới nhất, chuyện tòa nhà của tư nhân xây sai phép, nằm trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, được dư luận cho là, đã xây sát “cấm địa Ba Đình”.
Được biết, đó là tòa nhà thuộc sở hữu của một “đại gia” có máu mặt. Sở dĩ được dư luận quan tâm, vì công trình này nằm không xa khu vực trung tâm chính trị ở Quảng trường Ba Đình. Nơi có nhiều trụ sở của các cơ quan đầu não của chế độ, như: Trụ sở Chính phủ, Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Lăng Hồ Chí Minh v.v… Đó là khu vực cấm, không cho phép xây các công trình cao tầng, vì liên quan đến an ninh chính trị.
Hãy tưởng tượng, ở những vị trí trên tầng cao của các toà nhà xung quanh, các tay súng bắn tỉa phục kích để ám sát các yếu nhân, các chính khách đi viếng Lăng Hồ Chí Minh, thì điều gì sẽ xảy ra?
Vậy mà, vẫn có kẻ dám “vuốt râu hùm”.
Mới nhất, báo Tuổi Trẻ ngày 28/11 đưa tin, “Tòa nhà xây sai phép ngay giữa quận Ba Đình, Hà Nội, yêu cầu báo cáo”.
Bản tin cho biết:
“Liên quan đến vụ tòa nhà có nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội), ngày 28/11, Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, đã có văn bản gửi Sở Xây dựng và Uỷ ban Nhân dân quận Ba Đình, yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xử lý các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.”
Lâu nay, dư luận xã hội cho rằng, chuyện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn căn nhà xây trái phép, xây sai thiết kế… bị các cơ quan chức năng phát hiện, dù quy trình quản lý của nhà nước, từ lúc xin giấy phép cho đến khi hoàn công, được cho là rất nghiêm ngặt.
Vậy tại sao, theo truyền thông nhà nước cho biết: “Tòa nhà trái phép này bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2021, đến nay vẫn chưa hoàn tất. Vài ngày trước, người ta đã thấy báo chí nêu ra chuyện giấy phép được cấp “1 hầm, 1 lửng, 7 tầng, 1 tum, nhưng xây sai về mật độ; sai trần lửng; sai phần mở rộng tum thang, mở rộng thêm giàn hoa và điện thờ; các tầng xây cao hơn khoảng 30 cm so với giấy phép…”
Một lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân phường Đội Cấn cho biết, “… cơ quan trách nhiệm giám sát tại địa phương có đến kiểm tra, nhưng “lực lượng chức năng” không lập biên bản vi phạm hành chính, vì nếu lập biên bản vi phạm thì gia chủ phải phạt tiền và phải dỡ phần vi phạm”.
Từ lâu, với dân thường, chỉ cần đổ một xe cát, sửa một cái bếp, cũng lập tức có cán bộ đến hỏi thăm. Nếu không chịu xì ra phong bì thì sẽ bị gây khó dễ mãi, nhưng nếu xì ra thì mọi việc đều xong. Nay, tình trạng đã lên đến mức, các công trình không chỉ xây trái phép, mà còn đe dọa an ninh quốc gia, nhưng chính quyền sở tại cũng chẳng buồn quan tâm. Cứ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Chuyện toà nhà ở Đội Cấn cũng giống như chuyện 4 năm trước, một tòa nhà cao tầng ở số 8B Lê Trực, Hà Nội đã bị cắt ngọn. Công trình Lê Trực cách tòa nhà Đội Cấn chỉ vài trăm mét.
Công trình 8B Lê Trực là điển hình trong vi phạm trật tự xây dựng, và cũng là nỗi bức xúc kéo dài qua nhiều năm. Cụ thể, do sự “buông lỏng” quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã xây dựng công trình vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng, tăng 15,89m chiều cao; dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng lên tới gần 7.000m2.
Vi phạm diễn ra từ năm 2012, nhưng phải đến cuối năm 2016, mới thực hiện xong cưỡng chế giai đoạn 1, phá dỡ được tầng 19 và tầng tum của công trình. Giai đoạn 2, với yêu cầu phá dỡ tầng 18 do vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng, nhưng qua gần 4 năm, tức là tới thời điểm đầu năm 2020, vẫn dậm chân tại chỗ, dù Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có văn bản chỉ đạo thành phố Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc.
>>> (Hình 03: Thủ tướng Phạm Minh Chính)
Công luận thấy rằng, những điều này thể hiện phép nước bị coi thường, hay tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Với lý do, bởi vì lương nhà nước trả không đủ sống, thì việc làm ngơ hay tiếp tay cho sai phạm, sẽ là cơ hội tăng thêm thu nhập cho cán bộ quản lý đô thị ở cấp phường, xã. Còn các quan thì chia nhau những số tiền “lại quả” to, với các công trình lớn xây trái phép, tương đương với chức vụ của họ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định:
“Tôi cho rằng, chính quyền các cơ sở nói không biết là hoàn toàn vô lý. Ở đây chắc chắn là phải có hiện tượng gọi là nhóm lợi ích, giữa chính quyền một cấp nào đó với nhà đầu tư đã có hành vi gian lận.”./.
Trà My – Thoibao.de