Ở chế độ này, những tướng giỏi thường chỉ là công cụ, khó có thể tiến xa. Bản chất của chế độ này là “vắt chanh bỏ vỏ”, những người thực tài thì có thể vẫn được trọng dụng, nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn, rồi vứt bỏ, mà không được tưởng thưởng xứng đáng. Khi còn hữu dụng, thì còn được ưu ái cho thăng chức, khi hết giá trị lợi dụng, thì vứt bỏ không thương tiếc.
Trước đây, ông Nguyễn Việt Thành từng là tướng Công an có tiếng tăm. Ông từng làm Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, với nhiều chiến công lẫy lừng. Thời Tướng Nguyễn Việt Thành làm Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cánh tài xế rất ngán khi phải lái xe qua khu vực này, bởi công an ở đây, vào thời điểm đó, rất nghiêm và ít chịu ăn hơn những công an tỉnh khác.
Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, phụ trách Cụm III Tổng cục Cảnh sát (phía Nam). Ông được phân công làm Trưởng ban chuyên án, triệt phá tổ chức tội phạm do Năm Cam cầm đầu. Đây được xem là vụ án liên quan xã hội đen lớn nhất từ trước tới nay.
Sau khi chỉ đạo đánh án Năm Cam xong, ông Nguyễn Việt Thành bị tố là “lạm quyền” và được cho về hưu. Cấp hàm cao nhất của ông là Trung tướng, và chức vụ cao nhất là Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bất kỳ một ông tướng công an dám nghĩ dám làm nào cũng có thể bị tố là “lạm quyền”, nếu hết thời. Việc ông Đinh Văn Nơi mang quân đến tận Hải Phòng bắt Nguyễn Đình Đương – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng – vào tối 13/3 vừa qua, cũng có thể sẽ bị tố là “lạm quyền”, một khi ông Nơi hết giá trị sử dụng đối với Tô Lâm.
Hiện nay, ông Đinh Văn Nơi đang rất hữu dụng, bởi ông có năng lực và đang tả xung hữu đột theo lệnh Tô Lâm. Tuy nhiên, có khả năng, tương lai của ông Đinh Văn Nơi cũng sẽ giống như ông Nguyễn Việt Thành trước kia. Bởi ông Nơi không phải là nhân vật có thế lực mạnh so với những người cùng trang lứa trong ngành, đặc biệt là so với em rể Tô Lâm – Thiếu tướng Vũ Hồng Văn. Hai người này khác nhau đến một trời một vực về năng lực và thế lực.
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, trang trọng tổ chức “Lễ thông báo Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ”. Ông Tô Lâm, anh vợ của Vũ Hồng Văn chủ trì buổi lễ. Việc đẩy Vũ Hồng Văn vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là cách giúp ông Văn thoát khỏi bị soi ra sai phạm. Bởi cơ quan này được xem là công cụ của Tổng Bí thư, chuyên đi soi người khác, chứ chẳng ai dám soi người của cơ quan này. Ẩn nấp ở nơi này, vừa được “ăn uống no say”, vừa được an toàn, và vừa dễ lên chức.
Ủy ban do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu, nắm toàn quyền sinh sát, với các bản thông báo “hạch tội”, đề nghị xử lý các quan chức “có sai phạm đến mức phải kỷ luật”, và “gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng…”
Ở đây, xem như ông Vũ Hồng Văn có chỗ ẩn nấp rất an toàn.
Từ năm 2018 đến nay, ông Văn lần lượt làm Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, và Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ. Đáng nói, ở mỗi vị trí, ông Văn chỉ tại vị một, hai năm, là được Bộ Công an “tín nhiệm”, trao cho ghế mới. Hồi cuối tháng 6, theo tờ Thanh Niên, ông Vũ Hồng Văn còn được ông Tô Lâm trao “Huân chương Quân công hạng Nhì”.
Dân Đồng Nai cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai dưới thời Vũ Hồng Văn (từ 2019 đến tháng 7/2022) liên tiếp bị tố cáo nhũng nhiễu, “bảo kê” cho các hãng xe khách chạy qua tỉnh này.
Trước sự bất bình của công luận, một bản tin của báo Người Lao Động hồi tháng 4/2020, cho biết, 3 trưởng phòng của Công an tỉnh Đồng Nai bị cách chức cùng lúc, do “có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác”. Dù vậy, ông Vũ Hồng Văn vẫn được tín nhiệm.
Ý Nhi – Thoibao.de