Với thành tích chống tham nhũng đẹp nhất so với các đời Tổng Bí thư trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng gần như được mặc định là “không vụ lợi”. Bởi cho tới nay, chưa có chuyên án nào điều tra về việc ông Tổng Bí thư có kiếm chác về tiền bạc hay không.
Không phải ông Trọng không dính đến tham nhũng, mà có thể nói, không ai dám động đến ông thì đúng hơn. Thường thì làm bên Chính phủ nắm nền kinh tế đất nước, nên vấn đề xơ múi dựa vào chính sách hay dự án, dân nhìn thấy rõ ràng hơn, còn bên Đảng thì kín đáo hơn, nên dân không thấy mà thôi.
Ở chế độ này, chẳng quan chức nào sống bằng lương, kể cả tứ trụ, cho nên, sẽ không có lãnh đạo nào trong sáng. Sự “trong sáng” mà báo chí mặc định ấy, là những người chưa bị lộ, hoặc không bao giờ bị lộ.
Thời còn làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng bị dính tai tiếng dự án Ciputra. Tuy nhiên, vụ đó giờ đã quá lâu, hơn nữa, với quyền lực lớn như hiện nay, chẳng ai dám xới lại chuyện cũ của ông Trọng. Chính ông Tổng Bí thư không xới chuyện người khác thì thôi, chứ chẳng ai dám xới lại chuyện cũ của ông.
Thời ông Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, là thời mà các quan chức trong Bộ Chính trị mặc nhiên được hưởng những đặc quyền đặc lợi, mà luật pháp không được đụng đến. Đấy là thứ luật bất thành văn từ lâu, mà không ai dám phá vỡ. Chỉ đến khi ông Trọng thâu tóm hết quyền lực vào tay, ông mới phá vỡ thứ quy định ngầm ấy, với việc triệt hạ sát ván Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh – Đinh La Thăng. Sau đó, cũng có những uỷ viên Bộ Chính trị bị ép rời ghế, nhưng không ai bị xử lý nặng như Đinh La Thăng.
Hiện nay, ông Trọng đang được danh là “không vụ lợi”, mặc dù đấy chỉ là cái danh được xây dựng để đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, thật sự có phải là ông Trọng không tham nhũng hay không?
Thực tế, tham nhũng có tới ba tầng nấc.
Loại thứ nhất, và là loại ở tầng thấp nhất. Những người này tìm mọi cách để vòi tiền, có thể từ công quỹ, có thể từ tiền túi dân, hoặc có thể là tiền doanh nghiệp. Loại này thì vô cùng đông đảo, đâu đâu cũng có. Thậm chí, một tổ trưởng tổ dân phố nhỏ bé cũng biết cách tham nhũng loại này.
Loại thứ nhì là tham nhũng chính sách. Loại này phải từ cấp bộ trưởng trở lên mới làm được. Họ ra chính sách để làm lợi cho một hoặc vài nhóm lợi ích. Rồi sau đó, những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách, sẽ bằng cách này hay cách khác, “trả công” cho người ra chính sách một cách kín đáo. Việc buộc người dân phải ngoáy mũi để làm lợi cho Việt Á, và sau đó được Phan Quốc Việt lại quả, là một dạng tham nhũng chính sách. Hay quyết định thực hiện chuyến bay giải cứu cũng thế. Mới đây, có đề nghị bắt buộc phải lắp camera hành trình cho xe máy, cũng là loại tham nhũng chính sách.
Tham nhũng chính sách rất phổ biến. Tuy nhiên, để tham nhũng được theo loại này, phải trèo lên vị trí rất cao.
Tuy vậy, tham nhũng chính sách lại không nguy hiểm bằng tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực là hiện tượng thâu tóm quyền lực về tay mình, hoặc nhóm của mình, để lạm quyền. Dùng quyền lực đấy tạo ra những vây cánh cho riêng mình, củng cố vị trí độc tôn. Để tham nhũng quyền lực thì phải ở ngôi vị cao nhất, như Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng.
Nếu nói, tham nhũng chính sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, thì tham nhũng quyền lực có thể đưa đất nước đến nguy cơ mất độc lập. Tham nhũng quyền lực dẫn đến mức độ độc tài độc đoán, và từ đó, họ tự quyết vận mệnh đất nước theo ý họ, mà không đếm xỉa đến số phận đất nước, số phận dân đen.
Hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở tầng cao nhất của tham nhũng – đấy là tham nhũng quyền lực. Chính ông đang tự dẫn dắt đất nước này theo ý ông muốn, và phớt lờ nguyện vọng của toàn dân. Ông đang là “trùm cuối” của tham nhũng, nhưng ông vẫn được tiếng là “không vụ lợi”. Thế mới đau chứ.
Ý Nhi – Thoibao.de