Link Video: https://youtu.be/IErZxmSSFAg
Ngày 1/12, BBC Tiếng Việt có bài “Hành trình “lòng vòng” của thẻ căn cước Việt Nam cho thấy điều gì?”
BBC dẫn lời một người dân sống tại Sài Gòn, nhớ lại thời gian bị hối thúc ra xã để làm căn cước công dân gắn chip, giữa đỉnh dịch Covid-19 vào tháng 7/2021. Người này nói:
“Họ cũng lấy số thứ tự, nhưng tôi không hiểu rốt cuộc họ mần ăn thế nào mà cực cho người dân như tôi quá. Có mấy cô bác phải bỏ việc, dịch bệnh cũng ráng phải ra chờ đợi, cũng có người lớn tuổi bị hành như vậy. Khi đó tôi cũng lo sợ vì dịch bệnh tràn lan, thế nhưng đã không có lựa chọn nào khác.”
Khi đó, công an Sài Gòn được huy động làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ cấp hàng triệu thẻ căn cước.
Mấy tháng nay, công an lại tiếp tục thúc hối người dân cài ứng dụng VNeID do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an Việt Nam quản lý.
“Tôi nghe nói việc cài đặt này không có ép buộc nhưng công an xã nói họ phải chạy theo chỉ tiêu, nên bắt tôi cài đặt. Tôi coi trên mạng thấy cài tài khoản này rất nguy hiểm, vì có thể lộ thông tin, như ngân hàng… Nhưng không cài không được,” người dân này cho biết.
BBC cho biết, Bộ Công an đã đổi thẻ 3 lần trong 8 năm.
Vào năm 2016, chứng minh nhân dân đã được đổi qua thẻ căn cước công dân. Năm 2021, lại đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip, và năm 2024, đổi sang thẻ căn cước.
Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cho dù có những ý kiến phản đối.
Theo BBC, một trong những điểm mới trong Luật Căn cước lần này, là việc bổ sung thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu.
BBC dẫn ý kiến của Luật sư Lê Quốc Quân, cho rằng:
“Luật căn cước do Bộ Công an chủ trì biên soạn, nên tư duy quản lý và giám sát luôn in đậm trong từng câu chữ, cái gì cũng muốn thu thập, gom vào để dễ bề quản lý, thay vì ban cho công dân sự tự do lựa chọn.”
“Tôi cho rằng, như một công cụ phục vụ lợi ích vội vàng và ngắn hạn, mà ngăn cản sự sáng tạo lâu dài của đất nước.”
BBC tham khảo một số nước về cách họ làm thẻ công dân ra sao.
Ở Thái Lan, thẻ công dân đã thay đổi 5 lần từ năm 1943 đến nay ,và lần cuối đổi thẻ là năm 2009.
Vào năm 2009, thẻ công dân Thái Lan đã thay đổi từ thẻ nhựa sang gắn chip và mã vạch, được gọi là smart card (thẻ thông minh).
Đáng chú ý, người dân có thể hoàn toàn thay đổi thẻ công dân thuận tiện và dễ dàng khi đi đến các trụ sở, quầy đổi thẻ nằm ở trạm tàu điện hoặc siêu thị, và quy trình làm thẻ chỉ mất hơn 10 phút.
Hiện tại người dân Thái Lan đã bắt đầu sử dụng thẻ công dân điện tử, qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Tại Ba Lan, thẻ công dân của Ba Lan không có nhiều thông tin. Do đó, trong trường hợp bị rơi thẻ thì thông tin không bị lộ. Ba Lan cũng đổi thẻ công dân vài lần, nhưng càng về sau càng rút gọn, dù cũng có mã vạch, có gắn chip, và người dân cũng đi lấy vân tay, nhưng thủ tục rất thuận tiện.
BBC bình luận, hiện chưa rõ, thẻ căn cước sẽ là tên cuối cùng và liệu sẽ không còn chính sách nào mới trong thời gian tới của Bộ Công an hay không.
Tháng 7/2022, Việt Nam từng đổi mẫu hộ chiếu mới màu tím than và thiếu nơi sinh. Điều này khiến một số nước như Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech… không chấp nhận nhập cảnh cho công dân việt Nam. Dù luôn khẳng định mình đúng, nhưng cuối cùng Bộ Công an cũng phải chấp nhận đổi lại mẫu hộ chiếu có ghi nơi sinh.
Người dân giấu tên từ Sài Gòn chia sẻ: “Tôi chỉ mong vụ thẻ căn cước này sẽ dừng tại đây, đừng để tốn kém tiền nhà nước và thời gian, sức lực của những người dân đen như tôi nữa.”
Xuân Hưng
>>> PC08 thành Hồ đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm – phải chăng Công an TP.HCM cần giải ngân cuối năm?
>>> Thẻ Căn cước – sau nửa thế kỷ lưu lạc đã trở về tên cũ
>>> Không còn những tiếng nói trung thực, Quốc hội trở nên đìu hiu…
>>> Đến bao giờ Tổng Bí thư mới cho bắt ông trùm “Nhóm lợi ích điện lực” Trần Tuấn Anh?
Kissinger và Việt Nam Cộng hoà