Không khí tẻ nhạt trước chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – đến Việt Nam, dự kiến trong hai ngày 12 và 13/12. Điều này khác hẳn với sự hồ hởi của công chúng Việt Nam trước, trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, vào trung tuần tháng 9/2023.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình sẽ sang thăm Hà Nội, theo lời mời của hai nhà lãnh đạo Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng. Đồng thời, để đáp lại chuyến thăm Trung Quốc trước đó của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 11/2022, ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc Đại hội lần thứ 20.
Giới quan sát nhận xét, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về chuyến thăm này rời rạc, tránh né. Dẫu Việt Nam – trong vai trò chủ nhà – đồng thời là người anh em, đồng chí “bốn tốt”, theo cam kết giữa hai đảng.
BBC cho biết, những tin tức liên quan đến chuyến thăm của người đứng đầu Đảng và nhà nước Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam tỏ ra thận trọng một cách khác thường.
Theo đó:
“Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin tương tự, trích nguồn ẩn danh ở Việt Nam, nói rằng, Chủ tịch Tập “có thể sẽ thăm Hà Nội từ 12 đến 13 tháng 12 này”.
Thế nhưng, cho đến chiều 7/12, một số báo Việt Nam ban đầu chỉ thấy hiện tựa đề về chuyến thăm trên mạng Internet, nhưng khi bạn đọc bấm vào thì không hiện ra tin cụ thể.”
Trong khi, các hãng thông tấn phương Tây và một số báo khu vực Đông Nam Á đưa tin về chuyến thăm này, với những thông tin khiến cho người Việt Nam bất ngờ, như “hai bên đồng ý nâng cấp tuyến đường sắt đi từ vùng khai thác đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam, ra cảng biển cũng ở phía Bắc nước này. Và hiện không rõ tuyến đường xe lửa được nâng cấp nói trên có được hai bên gọi là một phần của BRI hay không?”
Điều vừa kể được cho là kết quả của chuyến thăm Hà Nội 2 ngày, của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong tuần vừa qua.
Theo Reuter, riêng về Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), phía Trung Quốc cho biết, trước đây, hai bên đã đạt được thỏa thuận về một số công trình ở Việt Nam nằm trong dự án này. Nhưng đến nay, truyền thông nhà nước Việt Nam lại không hề đề cập.
Theo giới quan sát, các thỏa thuận này, là vấn đề hết sức nhạy cảm đối với công chúng Việt Nam. Sự ngờ vực của phần lớn người Việt Nam đối với Trung Quốc, không chỉ xuất phát từ những tranh chấp ở Biển Đông, mà còn từ những kinh nghiệm lịch sử, thông qua các dự án đầu tư của Bắc kinh.
Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ chua xót đối với Ban lãnh đạo và dân chúng Việt Nam. Cụ thể, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết năm 2008, trước khi BRI ra đời, dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2016.
Tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, có tổng mức đầu tư là 552,86 triệu USD (8.770 tỉ đồng), vào năm 2008. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc là 419 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh, tính đến năm 2019 là 868,04 triệu USD (18.001,6 tỷ VND, tăng 9.231,6 tỷ VND), trong đó, phần vốn vay từ Trung Quốc là 669,62 triệu USD (hơn 13.800 tỷ VND).
Nhưng phải đến cuối năm 2021, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới hoàn thành. Dự án này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các quan chức chính quyền cũng người dân, vì chi phí tăng vọt và tiến độ trì trệ, khiến Việt Nam phải gánh khoản nợ lãi suất với Trung Quốc tương đối lớn.
Kết quả “Khảo sát Tình trạng Đông Nam Á 2023” cho thấy, 2/3 số người Việt Nam được hỏi, không tin tưởng vào Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Trung Quốc.
Nikkei Asia tiết lộ, trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam sắp tới, theo dự kiến, hai bên Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán về dự án liên quan đến đường sắt; bàn về đất hiếm; và vấn đề “Cộng đồng cùng chung vận mệnh”.
Các quan chức từ Hà Nội nói với Nikkei rằng, Việt Nam phải tìm kiếm sự hài hòa và cân bằng giữa cuộc cạnh tranh Bắc Kinh và Washington. Đặc biệt, khi chuyến đi của Tập Cận Bình diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội không bao lâu. Các nguồn tin còn cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cả hai cường quốc Mỹ – Trung vì lý do, “Chúng tôi không thể từ chối bất cứ ai”.
Trong các phần bình luận tới đây về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, thoibao.de sẽ giới thiệu với quý khán giả về nội dung: Hai bên Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán về các dự án đầu tư liên quan đến đường sắt như thế nào; sẽ bàn về quản lý và khai thác đất hiếm ra sao.
Và đặc biệt, liệu có khả năng Việt Nam sẽ tham gia “Cộng đồng cùng chung vận mệnh” với Trung Quốc hay không?./.
Trà My – Thoibao.de