Link Video: https://youtu.be/sCdSOJoIVBE
Ngày 12/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Hà Lệ Chi với tựa đề “Việt Nam mất dần ảnh hưởng với Campuchia”.
Tác giả cho biết, sáng 11/12, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến xuất ngoại thứ hai của ông Hun Manet từ khi giữ trọng trách Thủ tướng, chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông là đi sang Trung Quốc.
Theo tác giả, từ năm 2009 trở về đây, Campuchia dường như đã ngả về phía Bắc Kinh để đổi lấy những món lợi lớn về kinh tế, quay lưng lại và thậm chí có những hành động đối lập lợi ích của Việt Nam.
Campuchia giờ đây được coi như một “chư hầu” hăng say và nhiệt tình trước các nhiệm vụ của Bắc Kinh.
Tác giả đề cập đến việc Campuchia đã cho Trung Quốc thuê căn cứ quân sự Ream trong 30 năm. Dù trước đó, Campuchia công bố cho sửa chữa căn cứ quân sự cũ này, với mục đích hiện đại hoá quân đội Campuchia và không liên quan đến Trung Quốc.
Tác giả dẫn báo chí quốc tế cho thấy, quân cảng Ream ở Campuchia đã có thêm bến tàu đủ dài để tàu sân bay neo đậu, có thêm một ụ tàu lớn trên vùng đất ở phía Nam của căn cứ, đồng thời việc rà phá và làm đường đáng kể đã được thực hiện trong khu vực dành riêng cho quân đội Trung Quốc. Việc này sẽ cho phép triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar, từng được ghi nhận tại các căn cứ hải quân của Trung Quốc. Chiến hạm Trung Quốc đã trở thành những chiếc tàu đầu tiên sử dụng quân cảng Ream của Campuchia vừa được nâng cấp.
Tác giả dẫn bài trên Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha cho thấy, có ít nhất 2 tàu Hải quân Trung Quốc cập cảng Ream, dựa vào những hình ảnh đăng kèm theo bài viết này.
Bên cạnh đó, tác giả dẫn một hãng tin quốc tế, phân tích từ các bức ảnh vệ tinh, cho thấy, hai tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở căn cứ Ream tương ứng với những hình ảnh được ông Tea Seiha chia sẻ trên mạng, và rất có thể, cả hai đều là tàu hộ tống hạm lớp Type 56 của Trung Quốc.
Sự hiện diện của hai chiến hạm Trung Quốc tại căn cứ Ream, đã đặt ra câu hỏi về khả năng Trung Quốc bắt đầu tiếp quản cơ sở quân sự có giá trị chiến lược trọng yếu này.
Tác giả nhận định, điều này sẽ là một lo ngại đặc biệt đối với Việt Nam. Bởi từ đây, Trung Quốc có thể dễ dàng thọc sâu vào khu vực biển phía Nam của Việt Nam, cũng như tiến tới kiểm soát các con đường vận tải biển chiến lược gần eo biển Malacca, đồng thời thúc đẩy gia tăng sự uy hiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Căn cứ quân sự Ream đặt Việt Nam vào tình thế ba mặt trận, khi phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ dọc biên giới phía bắc và Biển Đông, mà còn ở biên giới phía tây nam.
Tác giả cũng đề cập đến việc Campuchia tuyên bố chính thức thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techno, được học giả Campuchia ca ngợi là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi”.
Tuy nhiên, con kênh này được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng đến sự sống còn của Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 20 triệu cư dân vùng châu thổ này.
Tác giả bình luận, không chỉ về vấn đề môi trường và thuỷ văn, về bài học căn cứ quân sự Ream, tất cả đã cho thấy, cả Campuchia và Trung Quốc đều che giấu rất nhiều thứ đằng sau. Liệu đó chỉ là một kênh đào với mục đích kinh tế đơn thuần như Campuchia đã tuyên bố? Hay là còn nhiều vấn đề chiến lược để kiềm chế, làm suy yếu và đe dọa Việt Nam, như cả Campuchia và Trung Quốc đã làm với căn cứ Ream?
Tác giả kết luận, vấn đề là Việt Nam cần phải hành động, chứ không chỉ biết nhún nhường và ve vuốt quốc gia láng giềng vốn là “đàn em” của mình. Trong chuyến thăm của ông Hun Manet, không biết các lo ngại này có được đặt lên bàn nghị sự của hai bên không? Nếu không, có lẽ Việt Nam cần lo lắng và chuẩn bị cho các nguy cơ của mình trong tương lai gần.
Thu Phương
>>> Bản lĩnh ngoại giao của Việt Nam trước Trung Quốc
>>> Philippines và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng ở Bãi Cỏ Mây
>>> Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây các tuyến đường sắt
>>> Giới bất đồng phản đối “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung”
Vì sao người Việt mê tín?