Link Video: https://youtu.be/8S6JkK6Q95U
Ngày 16/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Quảng Ngãi: thiết bị giống máy bay không người lái, có chữ Trung Quốc, dạt vào bờ biển”.
RFA cho biết, trong lúc khai thác hải sản, một người dân Quảng Ngãi phát hiện vật thể lạ, hình dáng như máy bay không người lái, có chữ Trung Quốc, trôi dạt vào biển Tịnh Kỳ.
RFA dẫn truyền thông nhà nước cho hay, đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, đang phối hợp với quân sự địa phương, để kiểm tra sơ bộ vật thể lạ trôi dạt vào khu vực bãi biển thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi.
Cũng theo đồn Biên phòng này, vật thể này được ông Trần Thanh, 65 tuổi, người địa phương, phát hiện khi đang thả lưới ở bờ biển. Sau khi đưa về nhà, ông Thanh nhận thấy thiết kế và trọng lượng bất thường, nên báo cáo biên phòng.
Theo RFA, do trôi dạt ở dưới nước thời gian dài, một số chi tiết, thiết bị trên vật thể đã biến dạng, nên hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nhận định, đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, theo đại diện đồn Biên phòng, vật thể có hình dạng như thiết bị bay không người lái, dài khoảng 3 m, đường kính 30 cm, ở giữa thân có hai cánh, mỗi cánh dài khoảng 65 cm. Phần đầu, đuôi có gắn cánh quạt và in nhiều chữ số, ký hiệu bằng chữ Trung Quốc và Anh.
Nội dung dòng chữ thể hiện, đây là sản phẩm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghệ Hàng không Thông minh Thâm Quyến Daotong, đã qua kiểm định chất lượng.
Vẫn theo RFA, đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đã thu nhận thiết bị này và báo cáo cấp trên, để phối hợp lực lượng chức năng xác định nguồn gốc.
RFA cho biết thêm, vào những tháng cuối năm 2020, lực lượng biên phòng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã liên tục phát hiện nhiều vật thể lớn, có ký tự và chữ Trung Quốc, bị sóng lớn đánh dạt vào bờ biển.
Bộ đồn biên phòng Quảng Nam lúc bấy giờ xác định, các vật thể dạt vào bờ biển trông giống bồn kim loại. Trên thân bồn có các số hiệu, ký tự và nhiều chữ Trung Quốc .
Không chỉ phát hiện những vật thể như chiếc bồn, tại Quảng Ngãi còn phát hiện những vật thể lạ hình trụ có thiết bị định vị dạt vào bờ biển.
Sự việc này khiến một số người liên tưởng đến việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Bắc Mỹ vào đầu năm nay.
Theo đó, quân đội Mỹ và Canada khẳng định, từ ngày 28/1 đến ngày 4/2, một khinh khí cầu tầm cao, là thiết bị do thám của Trung Quốc đã hoạt động trên bầu trời miền tây Canada và Hoa Kỳ.
Trong khi, Chính phủ Trung Quốc nói rằng, nó là một phi thuyền dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng, đã bị lệch hướng do gió.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, quỹ đạo của khí cầu và những đặc điểm về cấu trúc của nó, khác với những bóng thám không thường được sử dụng để nghiên cứu khí tượng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, khí cầu có khả năng định vị các thiết bị liên lạc điện tử, bao gồm điện thoại di động và radio, và nói rằng, những máy bay trinh sát của Mỹ được triển khai để theo dõi khí cầu, đã tiết lộ rằng, khí cầu này mang theo ăng-ten và các thiết bị khác, “rõ ràng để do thám tình báo và không nhất quán với các thiết bị trên khinh khí cầu thời tiết.”
Vào ngày 4/2, Không quân Mỹ đã bắn hạ quả khí cầu này trên lãnh hải ngoài khơi bờ biển tiểu bang Nam Carolina, theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Các mảnh vỡ từ khinh khí cầu đã được thu hồi và gửi đến Phòng thí nghiệm FBI ở Quantico, Virginia để được phân tích.
Đến ngày 10/2, Không quân Mỹ lại bắn rơi một vật thể trên không khác, cũng trên lãnh thổ Hoa Kỳ, theo lệnh của Tổng thống Biden.
Sự kiện này đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Canada với Trung Quốc gia tăng căng thẳng, và Ngoại trưởng Mỹ đã huỷ chuyến thăm Trung Quốc.
Minh Vũ
>>> Vụ Việt Á: Ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm trong vai trò người lãnh đạo cao nhất
>>> Lê Đức Thọ bị Tô Lâm bắt bởi tội “quá giàu”, nhưng không chịu chi để chạy án?
>>> Việt Nam không thể tin Trung Quốc
>>> Thấy gì qua kết quả chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam?
“Lòng dân” có phải là yếu tố tác động đến việc đổi từ “vận mệnh chung” thành “chia sẻ tương lai”?