Link Video: https://youtu.be/3xFrcmtVh8o
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi một clip video dài 1 phút 28 giây, trên kênh Youtube của Đài Á Châu Tự do, với tiêu đề, “Phát biểu của ông Trọng bị lược mất “Tôi đã già rồi, rất muốn trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ’”.
Phần đầu của clip này cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn trước Tập Cận Bình. Ông Trọng đã nghẹn ngào, xúc động gần như bật khóc, khi nói rằng: “Đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi nhiều. Nhưng mà tôi thì cũng đã già rồi, rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ…”
Một điều đáng quan tâm, đó là, những thông tin và hình ảnh đó không được truyền thông nhà nước Việt Nam cập nhật và đưa tin, trong các bản tin liên quan tới chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Học giả Trương Nhân Tuấn từ Paris, trên trang Facebook cá nhân, trong status với tiêu đề, “Vì sao Tổng Bí thư Trọng xúc động lúc đọc diễn từ trước Tập Cận Bình?”, đã đưa ra các ý kiến bình luận đáng chú ý.
Ông Tuấn cho biết: “coi clip video (trên RFA) thấy Tổng Bí thư Trọng có vẻ xúc động mạnh, khi đọc diễn văn trước Tập Cận Bình. Với giọng gần như muốn khóc, ông nói, “tôi già rồi, rất muốn trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ…”’
Ông Trương Nhân Tuấn nhận xét, “Thật là ngạc nhiên. Vấn đề chuyển giao quyền lực là chuyện nội bộ của Đảng Việt Nam. Người ta chỉ nói chuyện này trong Đảng với nhau, giữa các đảng viên có thẩm quyền. Ông Trọng lại bộc bạch trước một “quốc khách”, là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, như lời tâm sự giữa hai “đồng chí ,anh em” cực kỳ tin cậy.”
Học giả Trương Nhân Tuấn đặt một câu hỏi rất đáng quan tâm, “Vì sao ông Trọng lại xúc động, “muốn khóc” khi nói về việc chuyển giao quyền lực cho “thế hệ trẻ”?”
Đánh giá về kết quả của Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, một kỳ Hội nghị Trung ương với nội dung rất quan trọng. Đó là bàn về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng khóa 14, dự kiến sẽ khai mạc vào đầu năm 2026. Theo giới quan sát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên trải qua một kỳ họp Trung ương giữa kỳ không xuôi chèo mát mái.
Cụ thể, các vấn đề nhân sự quan trọng nhất, được ông Trọng đưa ra tại Hội nghị này, đó là:
Một, bổ sung hai ghế Ủy viên Bộ Chính trị bị trống của Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bất thành. Ý định đưa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị cũng thất bại.
Hai, kế hoạch đẩy Bộ trưởng Tô Lâm khỏi Bộ Công an, để đàn em thân tín là Phan Đình Trạc trám chỗ cũng không xong.
Ba, kế hoạch tiêu diệt Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thất bại. Chỉ trảm được Nguyễn Văn Đọc, tay chân thân tín của Thủ tướng Chính thời ở Quảng Ninh.
Một vấn đề nhân sự duy nhất ông Trọng thành công, đó là việc, Hội nghị đã thống nhất bầu bổ sung Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung vào Ban Bí thư Trung ương.
Những điều vừa liệt kê cho thấy, trong vấn đề nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại thời điểm hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra hết quyền uy. Nghĩa là, đến lúc này, không phải ông Trọng muốn mà được.
Đó là lý do tại sao, “Kế hoạch Nhân sự chủ chốt” của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cho Đại hội Đảng khóa 14 đã phải bỏ dở, để bàn tiếp trong các Hội nghị Trung ương sau.
Qua Hội nghị Trung ương 8 cho thấy, uy tín của Tổng Bí thư đã giảm sút nghiêm trọng, chưa từng thấy, là điều có thật. Điều đó hoàn toàn phù hợp với đánh giá của công luận, cũng như giới quan sát chính trị trong và ngoài nước. Trước Hội nghị Trung ương 8, nhiều ý kiến thống nhất rằng:
“Từ việc chọn nhân sự tuỳ hứng, phe nhóm, chạy chọt, không khoa học và không công tâm, dẫn đến hệ quả khủng hoảng nhân sự. Đảng lựa chọn đội ngũ của Đảng quá “xuất sắc”, để hôm nay dân tình nhìn thấy rõ bộ mặt nhân sự “tinh tú”, chủ chốt, từ địa phương đến cung đình, đều là một lũ tham lam vô độ, ăn cướp trắng trợn, gây tội ác “trời không dung, đất không tha”, qua các đại án “Việt Á” “chuyến bay giải cứu”, “vụ AIC”…”
Trở lại vấn đề, vì sao ông Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, lại xúc động đến mức sắp bật khóc trước Tập Cận Bình, trong vai trò quốc khách của Việt Nam?
Kể từ sau Đại hội 12 (2016), nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Trung Nam Hải, ông Trọng đã “đả bại” được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, buộc ông Dũng phải gạt nước mắt về vườn “là người tử tế”. Từ đó, Nguyễn Phú Trọng trở thành người độc quyền khuynh loát, làm mưa làm gió toàn bộ chính trường Việt Nam.
Hy vọng rằng, những giọt nước mắt cá sấu ấy cho chúng ta thấy một tham vọng mới của ông Trọng. Một lần nữa, dùng nước mắt để hy vọng Ban lãnh đạo Bắc Kinh động lòng, ra tay giúp lật ngược thế cờ, để Nguyễn Phú Trọng quay tiếp tục ôm ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ tư, vào đầu năm 2026 tới đây.
Trà My
>>> Vụ Việt Á: Ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm trong vai trò người lãnh đạo cao nhất
>>> Lê Đức Thọ bị Tô Lâm bắt bởi tội “quá giàu”, nhưng không chịu chi để chạy án?
>>> Việt Nam không thể tin Trung Quốc
>>> Thấy gì qua kết quả chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam?
Một thiết bị giống máy bay không người lái của Trung Quốc dạt vào bờ biển Quảng Ngãi