Link Video: https://youtu.be/n9-K8etleh8
Ngày 15/12, VOA Tiếng Việt có bài “Việt Nam “cần cảnh giác” trước lời lẽ đường mật của Trung Quốc”.
VOA dẫn nhận định của các nhà quan sát, cho rằng, những ngôn từ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “Cộng đồng chia sẻ tương lai” mà Hà Nội vừa đồng ý gia nhập với Bắc Kinh “toàn là những lời hay ý đẹp”, nhưng “quan hệ giữa hai nước trên thực tế lại khác hẳn”.
VOA dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng, cộng đồng chia sẻ tương lai “có phạm vi rất rộng, với các nguyên tắc rất mơ hồ, nhằm thực hiện quan điểm về trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm”.
“Hà Nội cần phải hết sức cảnh giác trong việc ủng hộ cộng đồng này, hay những đề xuất khác về trật tự thế giới với ngôn từ mơ hồ một cách cố ý.”
“Việt Nam sẽ được lợi hơn nhiều nếu họ ủng hộ mạnh mẽ trật tự thế giới dựa trên luật pháp và những chuẩn mực cư xử được chấp nhận.”
“Cộng đồng chia sẻ tương lai hoàn toàn là vô nghĩa trên vấn đề Biển Đông. Yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và các nước khác, và Trung Quốc đang tìm cách làm cho những nước này mất đi chỗ mà họ có thể trông cậy để bảo vệ quyền lợi của mình.”
“Không có nước nào muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực vì sẽ không có giao thương, đầu tư hay đảm bảo an ninh từ Mỹ,” ông Abuza phân tích.
VOA cũng dẫn lời ông Nguyễn Hữu Vinh, được biết đến là blogger Ba Sàm, nói, bản thân ông và nhiều người khác “không ủng hộ” việc Việt Nam gia nhập cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc.
Ông Vinh cảnh báo, phía Trung Quốc “toàn đưa ra những lời lẽ hoa mỹ, khoa trương để dụ khị Việt Nam”, nhưng “lời nói của họ không đi đôi với việc làm”.
Ông dẫn ra những hành vi gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông, suốt một phần tư thế kỷ, như cắt cáp tàu Bình Minh, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quân sự hóa Biển Đông, gây khó khăn, bắt bớ, xua đuổi, đánh đập ngư dân Việt Nam trên biển, và mới đây nhất là thêm một đoạn nữa vào đường chín đoạn, vốn dùng để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
“Nhân dân rất thắc là tại sao Trung Quốc o ép chúng ta như thế, trong từng ấy năm, mà lúc nào họ cũng dùng đại ngôn rất là hoa mỹ, rất là hay ho,” ông Vinh nói.
Về hai tuyến đường sắt xuyên biên giới, từ Hà Khẩu, Vân Nam, và Nam Ninh, Quảng Tây đi sang Việt Nam, mà Trung Quốc hứa sẽ viện trợ xây dựng, ông Vinh bày tỏ nghi ngờ việc nó phục vụ lợi ích của Việt Nam.
“Các tỉnh miền Bắc Việt Nam chủ yếu vận chuyển khoáng sản sang Trung Quốc, trong khi các tỉnh nội địa Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây có thể tận dụng tuyến đường sắt này để đi ra biển ở cảng Hải Phòng,” ông Vinh phân tích.
Ông Vinh cũng đề cập đến việc Trung Quốc gây khó dễ và ngưng nhập khẩu tôm hùm Việt Nam, sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, và tỏ ra không tin vào lời hứa của Trung Quốc về việc mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hoá Việt Nam.
“Họ có ngàn cách kỹ thuật để họ kiếm chuyện, khi mà họ đã không có ý đồ tốt với nhau,” ông nói.
Do đó, ông cho rằng, người dân hiện giờ “rất cảnh giác” với Trung Quốc, và chính quyền cũng phải dè chừng phản ứng của người dân trong quan hệ với Bắc Kinh.
Giáo sư Abuza lưu ý rằng, nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có sự phụ thuộc lớn vào nhau, và miền bắc Việt Nam là một phần trong chuỗi cung của các tỉnh miền nam Trung Quốc.
“Việt Nam rõ ràng đang lo ngại về việc nền kinh tế và xuất khẩu của Trung Quốc đang chậm lại có tác động như thế nào đối với Việt Nam.”
Do đó, ông Abuza cho rằng, “cộng đồng chia sẻ tương lai” có ý nghĩa về mặt kinh tế.
“Ông Tập đang muốn tăng cường kết nối hai nước thông qua các tuyến đường sắt. Trung Quốc cũng muốn đầu tư nhiều hơn vào ngành khai thác đất hiếm của Việt Nam mà tôi coi là nguy hiểm, vì Trung Quốc đã chiếm thế gần như độc quyền về chế xuất đất hiếm,” ông Abuza nói.
Hoàng Anh
>>> Chống bạo lực học đường bằng bạo lực, sự dốt nát từ những cái đầu lãnh đạo!
>>> Võ Thưởng bị Tổng biến thành kẻ vô hình!
>>> Thấy gì qua kết quả chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam?
Lê Đức Thọ bị Tô Lâm bắt bởi tội “quá giàu”, nhưng không chịu chi để chạy án?