Vì sự dốt nát hay vì gian ác, mà Bộ của ông Tô đẩy các doanh nghiệp vào sự khốn đốn?

Bộ Công an Việt Nam được đặt trên pháp luật, được dẫm lên pháp luật để thực hiện những chỉ thị của Đảng, đó là một điều rất tệ hại.

Điều này khiến cho xã hội ngày một loạn hơn, dù rằng, Bộ Công an được tăng cường ngân sách, được tăng cường nhân lực từ tiền thuế của dân.

Xã hội rối loạn thì cần tăng cường công an (kể cả nhân lực lẫn những ưu đãi), mà càng tăng cường thì Công an càng làm xã hội rối loạn thêm… Đấy là cái vòng luẩn quẩn mà Đảng Cộng sản đang làm, để giữ vẻ bề ngoài yên bình cho xã hội.

Thực tế, lực lượng Công an Việt Nam quá nhiều. Lực lượng dân phòng, bảo vệ khu phố, đều thuộc quyền điều khiển của công an. Từng góc phố đều có công an. Ngoài đường, cảnh sát giao thông dày đặc, khiến cho người tham gia giao thông lúc nào cũng phải canh chừng.

Tuy nhiều công an, nhưng xã hội Việt Nam cực kỳ bất an. Đi xe máy thì phải tìm cho ra chỗ gửi xe, nếu không, sẽ bị trộm bẻ khóa. Dùng điện thoại ngoài đường rất dễ bị giật. Trong khi đó, ở các nước khác, rất hiếm khi gặp cảnh sát, nhưng xã hội cực kỳ bình yên, ví dụ như Thái Lan.

Mấu chốt vấn đề là, tại sao càng tăng cường cho lực lượng công an, thì xã hội lại càng rối loạn? Nguyên nhân đơn giản là, Công an Việt Nam đang lợi dụng những ưu đãi của Đảng dành cho họ, để thực hiện những hành động phi pháp, như bảo kê những loại hình tội phạm, dùng những đặc quyền mà Đảng trao để kiếm lợi cho bản thân…

Ai cũng hiểu, cảnh sát giao thông Việt Nam dày đặc, nhưng toàn chặn dân làm tiền, chứ không vì một xã hội an toàn giao thông. Ai cũng biết, cảnh sát phòng chống ma túy Việt Nam rất hùng hậu, nhưng ma túy tràn lan, dân ngáo đá khắp nơi, hút chích tràn lan vv…

Có một số chủ doanh nghiệp từng gặp vấn đề với công an, cho chúng tôi biết, họ là nạn nhân của Công an Việt Nam. Bởi khi có vấn đề và bị Công an bắt, họ không được đối xử công bằng. Họ bị công an, viện kiểm sát và tòa án, thi nhau làm án và ra giá, ép tội, để buộc họ phải chạy, chạy đến mức kiệt quệ. Họ không có quyền được nói chuyện ngang bằng với công an, vì công an có quá nhiều quyền lực để áp đặt lên họ, và buộc họ phải chấp nhận.

Ví dụ, trong vụ án sai phạm về đấu thầu thiết bị y tế, xảy ra tại Sở Y tế Tây Ninh mà mới vừa được xét xử. Theo cáo trạng, Cơ quan Điều tra lấy giá trị trúng thầu gần 28 tỷ đồng, trừ đi tổng trị giá mua hàng hơn 14,8 tỷ đồng, từ đó, xác định thiệt hại bằng giá trị chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào, là 13,2 tỷ đồng.

Đây là cách tính rất khiên cưỡng. Bởi nếu tính đúng, thì phải cộng vào các chi phí như kho bãi, vận chuyển, bảo hành, bảo trì, đào tạo và chuyển giao công nghệ v.v.. Tuy nhiên, Công an đã phớt lờ và bỏ qua các chi phí này một cách có chủ ý, để vét tiền về cho nhà nước, đồng thời, dùng con số thiệt hại lớn để lập công thu hồi được nhiều tiền cho nhà nước.

Với kiểu tính này, hoặc là công an quá dốt nát, hoặc là cố tình cướp trắng các doanh nghiệp một cách khốn nạn không gì so sánh được.

Thực tế, công an “ăn trên đầu trên cổ” doanh nghiệp đến 2 lần. Lần thứ nhất công an làm tiền với các bị can để mua bán công lý, gọi là chạy án, các bị can hy vọng được giảm bớt các tội trạng. Lần thứ hai, họ tính giá thiệt hại thật sát theo cách tính vô lý nêu trên nhằm mục đích: vừa để che lấp việc “ăn tiền” lần thứ nhất đút túi riêng, vừa để phục vụ cho con đường sự nghiệp cá nhân “thăng quan tiến chức” qua thành tích thu hồi được số tiền lớn cho nhà nước. Cho nên, nếu đã vào tay công an thì không một doanh nghiệp nào còn có thể sống nổi, họ bị công an cố tình triệt hạ.

Rất nhiều doanh nghiệp bị công an sờ tới, đều không có cơ hội đòi hỏi được công an đối xử công bằng, bởi Đảng đã trao vào tay họ quyền lực quá lớn.

Lẽ ra, nếu công an đối xử công bằng với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có cơ hội làm lại, sau khi đã trả giá cho những sai phạm của họ trước pháp luật. Còn với Công an Việt Nam, họ triệt doanh nghiệp một cách tàn nhẫn. Hầu như, doanh nghiệp nào dính đến công an đều không còn cơ hội gượng dậy.

Đấy là vấn đề rất nghiêm trọng, chính công an kinh tế đang lạm dụng quyền lực để tàn sát doanh nghiệp kinh khủng. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra cảnh giết chóc doanh nghiệp bừa bãi trong nền kinh tế Việt Nam.

Ý Nhi – Thoibao.de

29.12.2023