Link Video: https://youtu.be/I-SLvawrHwg
Ngày 26/12, Facebook cá nhân của nhà báo Trương Huy San có bài bình luận “Vinashin và sự phản bội công cuộc cải cách theo hướng thị trường”.
Tác giả nhắc lại phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, ngày 1/1/2020, khẳng định: Vinashin thực sự đã sụp đổ.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban Lâm thời, điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.”
Tuy nhiên, tác giả cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không những không thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập, mà còn để cho Chính phủ “tái cơ cấu” Vinashin, thay vì để Vinashin phá sản.
Quyết định này chỉ cứu được Nguyễn Tấn Dũng chứ không cứu được Vinashin, còn tiền của dân thì không chỉ mất 100.000 tỷ như các đại biểu Quốc hội kêu gào 13 năm trước.
Tác giả nhận xét, với một đất nước có bờ biển dài hơn 3.000km, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu cũng là một hướng đi. Nhưng vấn đề của Nguyễn Tấn Dũng là đã chủ trương để Vinashin, cũng như để 19 tập đoàn, tổng công ty lúc ấy, kinh doanh đa ngành. Riêng Vinashin đã lập 240 công ty thành viên, kinh doanh mọi ngành nghề và mặc sức chia chác khoản tiền 700 triệu USD từ nguồn bán trái phiếu Chính phủ.
Tác giả dẫn ý kiến của ông Trần Xuân Giá: “Ông Nguyễn Tấn Dũng coi doanh nghiệp nhà nước như một động lực phát triển”.
Và ý kiến của ông Phan Văn Khải: “Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tấn Dũng muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ sau bốn năm”.
Theo đó, ngay trong năm 2007, ông Dũng đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu.
Theo tác giả, khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức Thủ tướng, Việt Nam có một khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đôla. Nhưng, di sản lớn hơn mà Thủ tướng Phan Văn Khải trao lại cho ông Dũng, là một Việt Nam đã hoàn thành thủ tục để gia nhập WTO và một nền tảng chính sách nội địa đúng hướng.
Chỉ sau mấy tháng nhận chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng 12/2007; đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8/2008 lên tới 28,2%. Tháng 3/2009, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy: 3,1%. Trong 6 năm ông Dũng giữ chứ Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát.
Vẫn theo tác giả, năm 2012, nền kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức 6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03%, thấp kỷ lục kể từ năm 1999. Nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối thoát.
Di sản tệ hại nhất của Nguyễn Tấn Dũng không phải là tham nhũng, là sự tha hóa của bộ máy, mà là sự phản bội lại công cuộc cải cách theo hướng kinh tế thị trường.
Tác giả liệt kê quá trình đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, chỉ ở mức cho phép “phát triển kinh tế nhiều thành phần”. Đến những năm 1990, bắt đầu cải cách Hiến pháp và các bộ luật, như Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật Doanh nghiệp… đều đưa đất nước theo hướng phát triển đúng đắn.
Tác giả cho rằng, nếu Chính phủ Phan Văn Khải đã dùng mọi nỗ lực để bãi bỏ giấy phép con, trên nguyên tắc, nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết và “điều gì dân chúng làm được thì nhà nước không làm”. Thì, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một mặt ồ ạt nâng các doanh nghiệp nhà nước lên tập đoàn, một mặt để các bộ ngành mặc sức cài cắm điều kiện kinh doanh, giấy phép con…
Tác giả bình luận, mô hình doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành đã chết, nhưng những chính sách đi chệch khỏi định hướng kinh tế thị trường thì vẫn còn gây hậu quả sâu sắc và lâu dài. Nó không chỉ khiến cho doanh nghiệp luôn bị nhũng nhiễu, mà còn làm cho bộ máy nhà nước càng ngày càng lộng quyền.
Tác giả nhận định, việc thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để hạch tội Nguyễn Tấn Dũng và những người liên quan vẫn còn rất cần thiết.
“Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” không phải là cản trở lớn nhất của kinh tế thị trường, “quốc doanh chủ đạo” mới là vấn đề của kinh tế thị trường. Nếu không thay “quốc doanh là chủ đạo” bằng nguyên tắc “hiệu quả của nền kinh tế mới là chủ đạo”, thì Việt Nam chẳng những không có kinh tế thị trường, mà cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” Đảng muốn cũng không bao giờ có.
Hoàng Anh
>>> Đánh đổ chế độ phong kiến để thiết lập cơ chế “con vua lại làm vua” – Tổng Trọng hãy trả lời?
>>> Nụ cười “bí hiểm” của Phan Quốc Việt và quả bom “80% cổ phần Việt Á”: Nỗi bất an của Tổng Trọng?
>>> Rửa tiền và tài trợ khủng bố, Đảng bị EU chỉ mặt!
>>> Vì sự dốt nát hay vì gian ác, mà Bộ của ông Tô đẩy các doanh nghiệp vào sự khốn đốn?
VinFast mượn tay công an trấn áp dư luận