Mối lo của Tập Cận Bình năm 2024

Ngày 30/12, VOA Tiếng Việt có bài “Mối lo của Tập Cận Bình năm 2024” của tác giả Ngô Nhân Dụng.

Tác giả cho biết, Tập Cận Bình đang giữ ba chức quan trọng: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc; Chủ tịch Quân uỷ Trung ương; và Chủ tịch nước.

Mối lo của Tập Cận Bình trong năm mới là không vực lại được nền kinh tế.

Một tín hiệu kinh tế mạnh hay yếu là thị trường chứng khoán. Trong tháng 12, chỉ số chứng khoán của Thị trường Mỹ tăng 4.7% và Ấn Độ đều tăng 14.%, trong khi Trung Quốc sụt giảm hơn 3%.

Theo tác giả, tín hiệu quan trọng nhất là số tiền người ngoại quốc mua cổ phiếu các công ty Trung Quốc đã giảm bớt gần 90%. Trong một năm, họ đã rút ra 29 tỷ đô la, bắt đầu vào lúc Công ty địa ốc Bích Nhai sắp phá sản.

Tác giả bình luận, chính sách đóng cửa toàn diện để chống COVID 19 đã khiến kinh tế ngưng đọng. Nhưng khi bệnh dịch đi qua, nền kinh tế vẫn tiếp tục xuống vì mô hình phát triển lỗi thời và chính sách sai lầm.

Trung Quốc đang trải qua ba nỗi khó khăn: dân chúng mất lòng tin nên giảm bớt tiêu thụ; cuộc khủng hoảng địa ốc nặng nề hơn; và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên cao đến độ, Chính phủ phải ngừng công bố các số thống kê để dư luận đỡ bi quan.

Tác giả so sánh cách xử lý bong bóng bất động sản giữa phương Tây và Trung Quốc. Theo đó, năm 2009, Mỹ và các nước Âu châu bị khủng hoảng tín dụng vì ngành địa ốc phá sản, các ngân hàng không đòi được nợ đã ngừng cho vay. Bắc Kinh làm ngược lại, thả lỏng cho các công ty địa ốc vay tiền để xây cất, tạo thêm công việc làm. Hậu quả là số tiền nợ trên toàn quốc cứ thế gia tăng, không ngừng lại được. Đây là chính sách sai lầm từ thời Hồ Cẩm Đào.

Mô hình này phát triển đến mức, hàng chục triệu căn hộ bỏ trống, không có người ở, dù nhiều căn đã có người mua. Họ mua để đầu tư chứ không phải để ở, vì tin tưởng giá nhà cửa còn tăng lên.

Tác giả cho hay, trong cùng thời gian đó, chính quyền các địa phương cũng khuyến khích công nghiệp xây dựng. Họ bán đất công, hoặc chuyển quyền sử dụng đất cho các nhà địa ốc. Phong trào vay nợ để đầu tư vào việc xây dựng lên cao trên toàn quốc, đẩy các con số thống kê lên cao.

Tuy nhiên, đến năm 2023, mô hình này đã bị “chết đứng”. Vì nhà cửa xây lên rồi không có người mua nữa! Các địa phương không còn đất công để bán, mà các công ty xây dựng cũng không muốn mua đất, khi không bán được nhà. Không đủ tiền trả nợ, chính quyền nhiều nơi đã phải ngưng các dịch vụ săn sóc người già, như tiền khám bệnh và mua thuốc.

Tác giả nhận xét, mô hình kinh tế đến lúc hết hiệu lực, chính quyền Trung Quốc lại tự tạo thêm những khó khăn, vì chính sách bạc đãi tư doanh và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi, giới doanh nhân tư vốn là động lực mạnh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển, khi họ bị chèn ép thì sức đẩy cũng giảm, hậu quả là Trung Quốc rơi vào giảm phát.

Tác giả cho rằng, 30 năm trước, kinh tế Trung Quốc lên được nhờ đầu tư từ nước ngoài. Tình trạng bây giờ đảo ngược. Trong quý 3/2023, số đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc không những ngưng lại mà còn giảm bớt, tức là, người ta bán bớt các cơ xưởng để rút tiền ra. Đây là chuyện bất ngờ, xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Nền kinh tế Trung Quốc còn phải đương đầu với vấn đề lực lượng lao động giảm, khiến sản xuất cũng giảm dần, khi dân số đi xuống. Trong khi đó, số người về hưu lại tăng lên.

Tác giả nhận định, trong năm 2024, Tập Cận Bình còn có thể cho các công ty vay thêm nợ và tiếp tục hoạt động. Nhưng về lâu dài sẽ càng ngày càng khó. Vì tình trạng kinh tế tụt giảm không phải do các chính sách ngắn hạn mà nằm trong cơ cấu.

Căn bệnh gốc của Trung Quốc là do Đảng Cộng sản nhất định phải kiểm soát cả nền kinh tế, để củng cố quyền hành.

Quang Minh – thoibao.de

1.1.2024