Công an nói cựu quản trị viên Fanpage “Nhật Ký Yêu Nước” từ chối luật sư, gia đình phản bác

Ngày 2/1, RFA Tiếng Việt cho hay “Công an nói cựu quản trị viên Fanpage “Nhật Ký Yêu Nước” từ chối luật sư, gia đình phản bác”.

Theo đó, cơ quan An ninh Điều tra của Công an thành phố Hồ Chí Minh nói, nhà hoạt động Phan Tất Thành – cựu quản trị viên của Fanpage “Nhật Ký Yêu Nước” – từ chối tham vấn luật sư, nhưng gia đình khẳng định điều ngược lại.

RFA cho biết, ông Phan Tất Thành, 38 tuổi, bị Công an thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ từ ngày 8/7/2023, rồi sau đó bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Hiện ông Thành đang bị giam trong thời gian điều tra ở Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu của Công an thành phố.

Theo RFA, ông Phan Tất Chí, bố của Phan Tất Thành, cho biết, ngay sau khi con trai ông bị bắt, gia đình đã ký hợp đồng bào chữa với luật sư Trần Đình Dũng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

RFA dẫn lời ông Chí tường thuật:

Tuần trước, luật sư xúc tiến làm thủ tục xin tiếp xúc với Thành. Hai ngày sau, Công an An ninh điều tra thông báo với luật sư là, em Thành từ chối gặp, tiếp xúc luật sư, không cần luật sư.”

Điều này hoàn toàn trái ngược 100% với ý nguyện của Thành từ trại tạm giam. Thành thông tin về cho gia đình, yêu cầu phải có luật sư thì mới làm việc với bên điều tra.”

Ông Chí cho biết, luật sư Dũng yêu cầu văn bản từ chối luật sư với chữ ký của ông Thành, nhưng phía công an không đáp ứng. Luật sư cũng đã nộp đơn kiến nghị lên cơ quan công an, đề nghị cho gặp ông Thành để xác nhận việc nhà hoạt động này không muốn sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, tuy nhiên, phía công an chưa phản hồi.

RFA cho hay, trong nhiều vụ án thuộc chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự, như Điều 117 – Tuyên truyền chống Nhà nước; và Điều 109 – Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; thậm chí, cả Điều 331 – Lợi dụng quyền tự do dân chủ, không thuộc chương này, cơ quan an ninh điều tra thường thuyết phục, thậm chí ép buộc người hoạt động không thuê luật sư.

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho nhiều người hoạt động, nói:

Trước hết, phải hiểu, việc từ chối này chưa bao giờ xuất phát từ ý chí của họ. Trong hoàn cảnh bị bắt giam, luật sư như cái phao cứu sinh của họ, ít nhất về phương diện tinh thần. Đồng thời, còn giúp quá trình điều tra được thực hiện công bằng, đúng pháp luật, ngăn ngừa tình trạng nghi can bị điều tra viên tra tấn, dùng nhục hình. Cho nên, việc từ chối chẳng khác nào tự sát.

Việc công an ép buộc nhà hoạt động từ chối luật sư “không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng hình sự, vì đã xâm phạm vào quyền bào chữa của người bị khởi tố, mà còn xâm phạm đến việc hành nghề của giới luật sư” – ông Mạnh nêu quan điểm.

“Thực tế, dù phần bào chữa của luật sư trong các vụ án chính trị không được tòa án và công tố lưu ý, vì họ (chính quyền) đã có bản án trước khi xét xử. Thế nhưng, cơ quan an ninh điều tra vẫn tìm cách ngăn cản luật sư tham gia vụ án, vì lẽ, hầu hết quá trình điều tra vụ án đều có tình trạng vi phạm tố tụng, như tra tấn, dùng nhục hình để dụ cung, ép cung nghi can. Nếu có sự hiện diện của luật sư, thì họ sẽ không thể thực hiện điều đó để điều tra, kết thúc vụ án theo ý muốn của họ được” – luật sư Mạnh lý giải.

Vẫn theo RFA, ông Thành bị cơ quan An ninh Điều tra bắt đi “làm việc” từ ngày 5/7, nhưng lệnh khởi tố và bắt tạm giam ghi từ ngày 13/7/2023 cho tới ngày 9/11/2023. Mới đây, công an đã gia hạn tạm giam ông thêm 3 tháng, đến ngày 7/2/2024.

Theo thống kê của RFA, ông Thành là một trong hơn 20 nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, và Facebookers bị bắt năm 2023, bốn trong số này bị tống giam với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Quang Minh – thoibao.de

3.1.2024