Mua điện từ thuỷ điện Lào, Chính phủ VN góp phần làm cạn kiệt Đồng bằng Sông Cửu Long?

RFA Tiếng Việt ngày 7/1 cho hay “EVN mua điện từ 26 nhà máy thuỷ điện của Lào”.

RFA dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước, cho biết về phiên họp tại trụ sở Chính phủ Việt Nam, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, về việc hợp tác song phương giữa hai nước. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW.

Tại cuộc họp, RFA cho biết, ngoài thông tin trên, hai bên thống nhất việc hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh.  Cụ thể, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào để đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Phía Việt Nam không nêu cụ thể sẽ tiếp tục nhập khẩu bao nhiêu điện từ Lào trong năm 2024 và 2025.

Tuy vậy, tại cuộc họp, hai bên cho biết đã hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3.

Trước đó, vào tháng 9/2023, EVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền chủ trương nhập khẩu thêm điện từ Lào để tăng nguồn cung cho miền Bắc vào năm 2025.

RFA dẫn Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, cho hay, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến năm 2025, khoảng 5.000 MW vào năm 2030, và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.

EVN liên tục kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện, như Nậm Mô, Houay Koauan, với tổng công suất trên 225 MW, và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.

RFA dẫn quan điểm của EVN, cho rằng, phải triển khai sớm các đề xuất trên, vì từ nay tới năm 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ có khả năng miền Bắc sẽ thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.

Cần biết, các nhà máy thuỷ điện tại Lào đa số nằm trên sông Mekong và góp phần đe doạ nguồn sống của Đồng bằng Sông Cửu Long, khiến nguồn nước, nguồn thuỷ sản về đồng bằng này ngày càng cạn kiện, gây khô hạn, ngập mặn và sạt lở. Đáng lẽ, Chính phủ Việt Nam cần mạnh mẽ phản đối các dự án này, bằng mọi cách phải bảo vệ sự sống cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Thì ngược lại, Chính phủ Việt Nam lại cho phép EVN mua điện từ thuỷ điện của Lào. Đây là hành động tiếp tay cho Lào để giết chết Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phải chăng, Chính phủ Việt Nam chỉ biết đến cái lợi, nhu cầu trước mắt, mà bất chấp những tác hại về sau? Hay họ đang phải vâng lời một ai đó, để làm một việc hại nước hại dân như vậy?

Ngoài ra, RFA cho biết thêm, tại cuộc họp ngày 7/1, Việt Nam và Lào đã bàn và thống nhất một số vấn đề khác, như: Khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nong Khang; dự án muối mỏ kali của Vinachem; vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương; huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng – Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội – Vientiane.

Đồng thời, Thủ tướng hai bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập và tự chủ, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam – Lào. Cụ thể: Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại; coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước; thống nhất triển khai các giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia “Một hành trình, Ba điểm đến”.

Hoàng Anh – thoibao.de

8.1.2024