Ngày 20/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản phá sản, ngừng kinh doanh trong năm 2023”.
RFA dẫn thông tin do đại diện Bộ Xây dựng cho truyền thông hay trong ngày 20/1, theo đó, có gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2023.
Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%; và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước.
RFA cũng dẫn Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất trong năm 2023, chỉ khoảng 4.725 doanh nghiệp, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ.
VARS xác nhận, bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.
Trong báo cáo của mình, VARS nêu rằng: “Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80 – 90% so với cùng kỳ các năm trước”.
RFA dẫn đánh giá của Bộ Xây dựng, cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do, trong năm 2023, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với 3 khó khăn, thách thức lớn. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố, nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên…
Theo RFA, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Ngoài ra, RFA cho biết, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai.
Thực tế, doanh nghiệp bất động sản không chỉ không huy động được vốn, mà còn rơi vào tình trạng nợ thanh toán trái phiếu đến hạn, khiến uy tín của họ xuống thấp và không thể tiếp tục phát hành trái phiếu.
Năm 2024 được dự báo là một năm khó khăn hơn, khi áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng.
VnEconomy cuối năm 2023 cho hay, đỉnh điểm, có gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 297 nghìn tỷ đồng.
Điều này dự báo việc sẽ còn có hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, kể cả một số đại gia hàng đầu, có thể sẽ lâm vào phá sản, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế, vốn đã èo uột sau 2 năm suy thoái mạnh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu đổ vỡ từ sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan và một loạt thành viên cấp cao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ bắt giữ này làm lộ ra lỗ hổng chết người trong quản lý ngân hàng, thị trường trái phiếu, cổ phiếu của Việt Nam. Lỗ hổng này đã khiến cho một cá nhân như bà Trương Mỹ Lan có thể lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hàng chục ngàn người, kéo dài trong nhiều năm, với số tiền khổng lồ – hơn 300.000 tỷ đồng, tương đương 6% GDP của Việt Nam, và nhiều hơn tổng tài sản của 5 tỷ phú USD Việt Nam cộng lại.
Tuy nhiên, chắc chắn không chỉ có một mình bà Trương Mỹ Lan lợi dụng những lỗ hổng cực lớn này, mà còn có những đại gia chưa bị lộ khác cũng làm tương tự.
Điều này bộc lộ sự mục ruỗng của hệ thống công quyền Việt Nam, báo hiệu sự cáo chung của chế độ.
Hoàng Anh – thoibao.de
20.1.2024