Cả nước nộp thêm tiền, đề xuất tiếp tục tăng giá điện vì EVN vẫn lỗ nặng

Ngày 27/1, VOA Tiếng Việt loan tin “Bộ Công thương Việt Nam đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm nay vì EVN vẫn lỗ nặng”.

VOA dẫn nguồn tin từ báo chí nhà nước hôm 26 và 27/1 cho hay, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng mới đây kiến nghị, cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024, sau khi đã có 2 lần tăng giá trong năm 2023. Đề xuất trên được nêu ra trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi đầu tuần này.

Lý do, EVN bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, cho dù, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm 2023.

Điệp khúc tăng giá điện khiến người dân ngán ngẩm đã diễn ra suốt hàng chục năm qua, và dường như không có điểm dừng, bởi hầu như lúc nào EVN cũng lỗ. Mỗi một thời điểm, EVN có những lý do thua lỗ khác nhau, nhưng lý do thực sự chỉ có một, đó là SỰ ĐỘC QUYỀN.

Chỉ đến khi nào nhà nước chịu từ bỏ tư duy kiểm soát, xoá bỏ cơ chế độc quyền của EVN, để các công ty, tập đoàn tư nhân nhảy vào kinh doanh, thì lúc đó, sự cạnh tranh mới tạo ra động lực phát triển và giá cả được thị trường quyết định, chứ không phải là quyết định của nhà nước. Thậm chí, đến lúc đó chuyển đổi năng lượng xanh mới thành công.

VOA cho biết, bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói trong cuộc họp rằng, cần xem xét điều chỉnh giá điện, để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cũng tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rằng, đối với việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả giá điện, các bộ, ngành phải chuẩn bị tốt và sớm về các phương án và lộ trình điều chỉnh giá, để tránh bị động.

Ông Khái nói thêm rằng, “Thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát”, VnExpress, Tiền Phong và một số báo thuật lại.

VOA dẫn báo Tiền Phong cho biết, hồi đầu năm nay, trong một cuộc họp của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã nhận định rằng, nếu không tăng giá điện trong năm, sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 của Tập đoàn này.

Các báo cáo tài chính của EVN cho thấy, vào năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất điện và EVN tiếp tục bị lỗ trong sản xuất kinh doanh điện, năm thứ hai liên tiếp.

Giải trình với Bộ Công thương bằng văn bản, Tổng Giám đốc của EVN viết rằng, lỗ xảy ra chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Tập đoàn này tính toán rằng cứ mỗi kWh bán ra, họ chịu lỗ 142,5 đồng.

VOA cho biết thêm, một số chuyên gia được VnExpress và Tiền Phong trích lời nói rằng, việc tăng giá điện sẽ khiến một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện và một bộ phận người dân sẽ gặp khó khăn, nhà nước phải tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích cả ba bên, gồm doanh nghiệp, người dân và nhà nước.

Trên thực tế, việc giá điện ở mức cao và nguồn điện không đủ cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế sâu hiện nay. Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới – Intel – đã huỷ bỏ kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nguyên nhân chính cũng vì nguồn điện không ổn định.

Nếu xoá bỏ cơ chế độc quyền về điện, lúc đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân có nhiều lựa chọn, chắc chắn, sẽ không ai chọn một công ty “phiền phức” như EVN.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

27.1.2024