Ngày 31/1, báo Lao Động có bài viết “Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam là một lựa chọn tất yếu của lịch sử”, của tác giả Vương Trần và Tiến sĩ Cù Văn Trung. Đây là luận điệu quen thuộc của Tuyên giáo, mỗi lần họ sử dụng giọng điệu “lịch sử lựa chọn”, tức là lúc ấy, Đảng thấy rằng, dân đang oán ghét chế độ.
Ngay ở tiêu đề, các ông tiến sĩ lý luận Mác Lê Nin đã dùng sai ý nghĩa của lịch sử. Lịch sử đơn giản chỉ là những gì đã diễn ra. Có thể hiểu, lịch sử như những thước phim, còn làm nên bộ phim là những diễn viên cùng với câu chuyện của họ. Về bản chất, quyết định nội dung bộ phim là người làm nên bộ phim, đó là đạo diễn, diễn viên và những cộng sự khác.
Giai đoạn từ năm 1945 đến nay, là thời kỳ Đảng Cộng sản đóng vai chính trong cuốn phim lịch sử của đất nước. Cho nên, con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội đói nghèo như Việt Nam hiện nay, là do chính Đảng Cộng sản chọn lựa, chứ không phải do lịch sử nào chọn lựa.
Ngay ở cách đặt tiêu đề, tác giả của bài báo này đã cố tình đánh tráo vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam thành vai trò của lịch sử, thì điều này cho thấy tính gian manh của người viết bài. Những sự gian trá tương tự, Đảng đã sử dụng để đánh lừa toàn dân trong suốt mấy chục năm qua.
Lịch sử của đất nước là do nhân dân chọn lựa hoặc do những kẻ cai trị chọn lựa, chứ không phải do lịch sử chọn. Trên thế giới, nếu dân được quyền chọn, thì không bao giờ lại chọn mô hình độc tài đảng trị như Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đã dùng họng súng để khuất phục toàn dân, và tiêu diệt bằng hết những xu hướng chính trị khác, để họ độc chiếm quyền cai trị, thì đất nước mới ra nông nổi như ngày hôm nay.
Chiến tranh Nam – Bắc đã cướp đi hàng triệu sinh mạng người dân, làm cho đất nước tổn hao nguyên khí nặng nề. Tốn núi xương và biển máu của đồng bào, kết quả lại làm cho đất nước trở nên đói nghèo lạc hậu như ngày hôm nay, đấy là cái giá xứng đáng sao?
Đã tốn nhân mạng mà lại còn thêm đói nghèo, và bao nhiêu quyền cơ bản của con người đều bị tước đoạt, thì thử hỏi, dân nào chọn con đường này?
Hy sinh hàng triệu sinh mạng người dân, để mang lại quyền cai trị cho Đảng, tuy ngày nay đất nước nghèo nàn lạc hậu, nhưng quan chức lại rất giàu. Vậy, kẻ duy nhất có lợi trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, là Đảng Cộng sản. Vì quyền lợi quá lớn, nên Đảng không bao giờ chấp nhận trả quyền tự quyết về cho dân. Bộ Công an luôn được rót ngân sách khổng lồ, và được đứng trên luật pháp để hù doạ khiến dân phải khiếp sợ.
Ông Nguyễn Phú Trọng lập nên chiến dịch đốt lò, mục đích là để tạo tiếng vang cho chính ông. Điều ông muốn là cho dân chúng thấy rằng, Đảng “có thiện chí” tiêu diệt tham nhũng.
Tuy nhiên, qua hơn 2 nhiệm kỳ chống tham nhũng, giờ đây, người dân lại hiểu vấn đề hơn. Đó là, tham nhũng là bản chất của Đảng. Đảng có hàng chục, hàng trăm ngàn quan chức, thì đồng nghĩa, cũng có hàng chục, hàng trăm ngàn kẻ tham ô đục khoét vào sức dân. Ông Tổng diệt tham nhũng thì cũng chỉ diệt được hàng chục, thậm chí hàng trăm quan tham, nhưng cũng chẳng chiếm được tỷ lệ đáng kể, so với hàng chục, hàng trăm ngàn quan chức từ nhỏ đến lớn. Đấy là chưa nói đến việc, tham nhũng như sóng biển, lớp trước tan đi, thì lớp sau chồm tới. Không bao giờ chống xuể.
Ngày nay, người dân Việt Nam đã hết cơ hội thoát nghèo trong bàn tay cầm quyền của Đảng. Bỏ qua những con số thống kê về tăng trưởng, hãy nhìn thực tế, khi người dân phải chen nhau đi thi tiếng Hàn để được xuất khẩu lao động, thì đủ thấy, chính sách của Đảng tệ hại thế nào.
Dưới ách cai trị của Đảng, dân quá nghèo, đất nước thiếu việc làm nhưng thừa người. Trong khi đó, xứ Hàn Quốc và Nhật Bản lại thừa việc mà thiếu người. Nếu dân có quyền chọn lựa, thì dân chọn mô hình chính trị như Nhật Bản hay Hàn Quốc, chứ không dại gì chọn mô hình Chủ nghĩa Xã hội như Việt Nam.
Ý Nhi – Thoibao.de
1.2.2024