Ngày 2/2, BBC Tiếng Việt cho hay “Không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, mọi người cần làm gì?”
BBC cảnh báo: Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Cần làm gì để giảm thiểu tác hại?
BBC dẫn trang Facebook chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam, sáng 2/2 đăng tin:
“Chất lượng không khí tại Hà Nội hôm nay không tốt, với một vài nơi chạm ngưỡng màu tím – ngưỡng “rất có hại”.”
BBC dẫn trang quan trắc ô nhiễm không khí IQAir, sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), cho thấy, chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội ở ngưỡng “rất không tốt”, có thời điểm xếp thứ 1 thế giới về mức độ ô nhiễm.
Cũng theo trang này, tại thời điểm giữa buổi sáng, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong thành phố ở mức 148µg/m³ , cao gấp 29,6 lần mức khuyến nghị của WHO.
WHO Việt Nam khuyến cáo người dân có các biện pháp phòng tránh như, ở trong nhà nhiều nhất có thể, đeo khẩu trang, sử dụng khăn ướt để lau dọn nhà.
Theo ghi nhận của BBC Tiếng Việt qua các hình ảnh được chia sẻ, trời Hà Nội sáng 2/2 đặc biệt mù mịt, tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, trời nhiều mây, độ ẩm không khí cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. BBC dẫn Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, độ ẩm tại Hà Nội lúc 10 giờ sáng 2/2 ở mức 96%.
Vẫn theo BBC, tình trạng mù mịt cũng ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh của máy bay. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, ít nhất, 37 máy bay đã phải chuyển hướng hạ cánh, vào sáng 2/2.
BBC cho biết, mạng xã hội Việt Nam sáng 2/2 cũng râm ran chuyện chất lượng không khí. Hình ảnh bầu không khí mù mịt và thông tin Hà Nội xếp số 1 thế giới về ô nhiễm được chia sẻ rộng rãi. Nhiều người dùng Facebook, hài hước ví Hà Nội sáng 2/2 như chốn “bồng lai tiên cảnh”, hay so sánh khung cảnh thủ đô với Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo.
BBC cho hay, ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn, rất có hại cho sức khỏe. Trang Facebook của WHO Việt Nam viết: “Chất lượng không khí kém có nguy cơ gây hại tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai và bất kỳ ai đang gặp vấn đề về sức khỏe.”
BBC dẫn lời khuyên của các chuyên gia của WHO Việt Nam dành cho người dân. Theo các lời khuyến cáo: nên ở trong nhà nhiều nhất có thể; đeo khẩu trang N95 hoặc N99; tập thể dục trong nhà thay vì ngoài trời; sử dụng khăn ướt để lau dọn nhà cửa; không hút thuốc lá, đốt lá khô, hương nhang, rác,…
Các chuyên gia cũng khuyên mọi người cần liên hệ với bác sĩ trong trường hợp thấy khó thở, buồn nôn, đau mắt và viêm họng nặng.
BBC cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề nan giải của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Tháng trước, Bộ Y tế Việt Nam từng đề xuất cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học, do tình trạng ô nhiễm kéo dài ở nhiều tỉnh thành.
BBC cho biết thêm, chỉ số ô nhiễm hôm 2/2 tuy cao, nhưng vẫn chưa phải mức cao nhất từng được ghi nhận ở Hà Nội. Theo trang IQAir, “kỷ lục” này được lập vào năm 2019 với mức 385 AQI.
Trang này cũng xếp hạng thủ đô của Việt Nam là thành phố ô nhiễm thứ 2 Đông Nam Á trong các năm 2019 và 2022.
Không chỉ riêng Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố khác, như Bình Dương, Biên Hoà, Hải Phòng… cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm. Mức ô nhiễm không khí tại Sài Gòn luôn cao trong nhiều năm, nhất là giai đoạn trước dịch Covid-19.
Từ khi dịch Covid bùng nổ, do chính sách phong tỏa cực đoan, Sài Gòn đã giảm được mức độ ô nhiễm không khí. Sau dịch, kinh tế lại rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, khiến thành phố đông dân nhất Việt Nam thoát cảnh ô nhiễm nặng triền miên.
Hoàng Anh – thoibao.de
3.2.2024