Ngày 7/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam có nguy cơ bị phạt thẻ đỏ, bị hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào EU và các thị trường quan trọng khác”.
RFA cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang hôm 5/2, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Ông Quang lưu ý, đợt thanh tra lần thứ 5 tới của Uỷ ban Châu Âu (EC), là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng cho hải sản xuất khẩu, thậm chí tính đến phương án cấm biển.
RFA dẫn lời ông Trần Lưu Quang cho biết, EC sẽ có đợt thanh tra sắp tới đây, trong tháng 4/2024, và là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ thẻ vàng.
Nếu không làm được, Việt Nam sẽ phải mất nhiều năm nữa, và thậm chí có nguy cơ bị rút thẻ đỏ, bị hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào EU và các thị trường quan trọng khác.
Theo RFA, báo Chính phủ dẫn phát biểu của ông Trần Lưu Quang cho hay, qua đợt thanh tra lần thứ thứ 4 vào tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của EC đánh giá, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá; việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối, còn hạn chế.
RFA dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng, cho biết thêm, kể từ tháng 10/2023 đến nay, tiếp tục có 17 tàu với 190 ngư dân bị các nước khác bắt giữ.
Ngoài ra, cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Quang Hùng, hành vi gửi thiết bị VMS cho tàu cá khác, nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp.
RFA cũng cho biết, tại nhiều địa phương, việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác, phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, vẫn không được bảo đảm theo quy định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian còn lại chỉ khoảng gần ba tháng, nên phải dồn tổng lực, mở “đợt cao điểm của cao điểm”, với mục tiêu cao nhất là gỡ được thẻ vàng sau lần thanh tra thứ 5 sắp tới. Trong đó, tập trung vào 2 việc: Không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài và xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ, trong đó có hành vi tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép, sử dụng trái phép vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản.
Được biết, từ đầu năm 2017, EC đã bắt tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc thuỷ sản Việt Nam khai thác, nhập khẩu vào châu Âu.
Ngày 23/10/2017, EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với Việt Nam, và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị. Tuy nhiên, đến đã hơn 6 năm, nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Nếu không gỡ được thẻ vàng và bị phạt thẻ đỏ, Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu hải sản vào châu Âu, đồng nghĩa với việc mất đi thị trường tổng trị giá 500 triệu USD/năm.
Ngoài ra, một số thị trường khác như Mỹ, cũng có quy định tương tự, nên nếu bị EC phạt thẻ đỏ, thì các quốc gia khác cũng sẽ áp dụng các biện pháp tương tự đối với thuỷ sản Việt Nam.
Trong thời điểm mà kinh tế Việt Nam đang suy thoái trầm trọng, chưa có lối thoát, thì điều này có thể khiến Việt Nam rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Dường như, lúc này Chính phủ Việt Nam mới đốc thúc việc gỡ thẻ, có lẽ là đã quá muộn rồi chăng?
Minh Vũ – thoibao.de
7.2.2024