Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, một chính khách trẻ, đang ở độ tuổi 52, đã và đang có vai trò nổi bật trên chính trường Việt Nam.
Giới quan sát đánh giá, sự thăng tiến của ông Võ Văn Thưởng trong tương lai, có khả năng sẽ tiến xa hơn chiếc ghế Chủ tịch nước hiện tại. Và việc ông Võ Văn Thưởng – trên cương vị Chủ tịch nước, vừa ký hàng loạt quyết định giảm án xuống chung thân cho các tử tù, đã gây ấn tượng lớn.
Báo Tuổi trẻ ngày 6/2 đưa tin, “Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho 5 người xuống tù chung thân”. Bản tin cho hay, theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ngày 6/2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt, từ tử hình xuống tù chung thân, cho 5 bị án có đơn xin ân giảm gửi tới Chủ tịch nước.
Được biết, đây là lần thứ 2 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình, chỉ trong vòng hơn một tháng. Trước đó, ngày 27/12/2023, ông Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân cho 18 người. Chưa kể tới, tháng 8/2023, nhân dịp lễ Quốc khánh ngày 2/9, ông Võ Văn Thưởng cũng đã ký quyết định ân giảm tương tự cho 11 người.
Theo giới quan sát, không có bằng chứng cho thấy, hai tử tù kêu oan nhiều năm mà vẫn chưa được minh oan, là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, có nằm trong danh sách ân giảm lần này hay không?
Việt Nam lâu nay là một trong số những quốc gia được thế giới đánh giá đã tuyên án tử hình nhiều nhất. Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã tuyên án tử hình cho ít nhất là 102 người, và là quốc gia đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng của thế giới.
Điều đáng nói, trong năm 2023, nhà nước Việt Nam đã thi hành án đối với tử tù Lê Văn Mạnh, người đã kêu oan suốt 18 năm, bất chấp sự phản đối của giới luật sư cũng như công luận trong nước và cộng đồng quốc tế.
Có sự liên quan nào giữa việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký hàng loạt các quyết định giảm án cho các tử tù; và việc vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, liên tục “thanh minh, thanh nga” rằng, “việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.
Đó là chưa kể tới việc, liên quan tới ông Lưu Bình Nhưỡng – nguyên Phó ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội – bị Bộ Công an khởi tố bắt giam. Ông Nhưỡng bị bắt, được cho có liên quan tới việc, cộng đồng mạng đã gửi đơn và tin nhắn tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đề nghị xem xét án oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã thành công.
Luật sư Lê Văn Hòa cho biết, “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhận tin nhắn và đang có chỉ đạo giải quyết”. Nhà báo Nguyễn Đức, cựu Biên tập viên Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng vào sáng 5/8/2023, đã gửi tin nhắn cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và sau đó, ông Nhưỡng thông báo rằng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trả lời bằng tin nhắn: “Đã nhận được tin nhắn của anh và đang cho giải quyết”.
Nhà báo Nguyễn Đức, còn cho biết, sáng 27/9/2023, tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng và các nhân viên uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, đã tiếp cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng rất trọng thị.
Theo giới quan sát, hàng loạt các động thái kể trên có liên quan gì tới việc, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị, về việc “kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Mà ông Võ Văn Thưởng, trong vai trò Thường trực Ban Bí thư trước đó, đã thúc đẩy tích cực. Để buộc các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp, trong các hoạt động tư pháp, sẽ nắm được sự kiểm soát chặt chẽ và bài bản hơn.
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, xảy ra ở tỉnh Long An, liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải, là một ví dụ điển hình. Hồ Duy Hải vẫn bị tuyên án tử, bất chấp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có kháng nghị, yêu cầu điều tra lại theo trình tự Giám đốc thẩm, đồng thời Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng có ý kiến yêu cầu phải xem xét lại vụ án này.
Vậy mà, ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, do Chánh án Nguyễn Hòa Bình đứng đầu, dù đã thừa nhận, trong quá trình điều tra vụ án, Công an Long an đã sử dụng các vật chứng đi mua ngoài chợ, để đưa vào Hồ sơ của vụ án. Nhưng Chánh án Bình bất chấp tất cả vẫn cho rằng, việc đó “tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Trong khi, giới thạo tin cho rằng, việc bắt giữ “khẩn cấp” ông Lưu Bình Nhưỡng là một sự cố ý để truy tìm tang chứng liên quan đến các thế lực trong Đảng. Những thế lực này đang tìm cách mọi cách để “đá đít” ông Tô Lâm và ông Nguyễn Hòa Bình, ra khỏi cuộc đua nhân sự chủ chốt của Đại hội 14 tới đây.
Theo giới phân tích, sự nổi lên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm lu mờ vai trò của các ứng viên khác, như Vương Đình Huệ, hay Phạm Minh Chính, và kể cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư./.
Trà My – Thoibao.de
8.2.2024