Ngày 10/2, blog Tùng Phong trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Việt Nam: GDP và câu chuyện về những con số”.
Theo tác giả, “một nửa sự thực” là chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” luôn tăng, lung linh bảy sắc cầu vồng. Trong khi đó, “một nửa cái bánh mì” là phần thu nhập khả dụng của người dân, đang teo tóp nhanh chóng.
Tác giả dẫn các báo “lề phải”, theo đó, con số về tăng trưởng tổng sản phầm quốc nội (GDP) của Việt Nam, trong năm 2023, đang nhảy múa từ 4,7% – 5,05%.
So với mục tiêu 6,5%, kết quả đạt được, dù tính theo phương pháp nào, cũng khá khiêm tốn.
Tác giả cho rằng, đối với nền kinh tế “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” như Việt Nam hay Trung Quốc – nơi mà vai trò quản lý nhà nước mang tính quyết định, và khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo – thì chỉ số tăng trưởng GDP và bình quân GDP/đầu người, còn gánh vác cả trách nhiệm chính trị, là sự khẳng định về “vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt” của Đảng, cũng như tính chính danh chế độ.
Mục tiêu “nâng cao đời sống nhân dân, không bỏ lại ai phía sau” được coi là cứu cánh cho mọi cuộc đàn áp về nhân quyền, tự do ngôn luận, hay tín ngưỡng. Tuy vậy, những con số này có phản ánh đúng về tình trạng thu nhập và mức sống của người dân hay không?
Tác giả cho hay, con số này rất trái ngược với thực tế đời sống của đa số người lao động hiện nay. Năm 2023 là năm ghi nhận số doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục, với hơn 14.400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng. Mới chỉ bước qua tháng 1/2024, cả nước ghi nhận tới hơn 53.900 doanh nghiệp đóng cửa. Sài Gòn ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm tới 21,4% so với tháng trước đó, và 15% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là chỉ dấu rõ ràng của một cuộc đổ vỡ, cả về kinh tế lẫn niềm tin xã hội.
Tác giả cho biết, có nhiều phương pháp tính GDP và bản thân chỉ số GDP có nhiều lỗ hổng. Cho nên, nếu chỉ nhìn vào qui mô GDP thì không thể đánh giá hết nguồn lực và thực lực của nền kinh tế.
Trong thống kê và kinh tế học vĩ mô, GDP không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Ngoài GDP, các chỉ tiêu như thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm là những chỉ số quan trọng. Trong đó, đặc biệt chỉ số tiết kiệm quyết định nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam gần như không có tiết kiệm, và do đó, không có nguồn lực để tái đầu tư.
Tác giả nhận xét, điều kỳ lạ là trong các báo cáo kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong gần 20 năm nay, hầu như không bao giờ tham khảo và xét tới các chỉ số này.
Giới chức Việt Nam ưa thích sử dụng GDP, bình quân GDP/đầu người, và coi đó là phong biểu kế vạn năng duy nhất. Trong khi, GDP/ đầu người khó lòng phản ánh xác thực mức sống của người dân.
Do đó, vẫn theo tác giả, các nhà kinh tế và thống kê trên thế giới dùng một chỉ số khác: Chỉ số “thu nhập bình quân đầu người”.
Nghĩa là, “thu nhập bình quân đầu người” là tổng tất cả các nguồn thu nhập, từ lương, các nguồn sinh kế và các khoản thu nhập khác được cho, tặng, thừa kế, đền bù, tiền mừng, tiết kiệm… chia đều cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Ví dụ, năm 2023, Việt Nam nhận tới 16 tỷ USD “kiều hối”. Đây cũng là một khoản cấu thành “thu nhập bình quân đầu người”.
Tác giả đánh giá, phía sau con số tăng trưởng GDP màu hồng là một bức tranh xám xịt. Chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” được dùng để phô trương thành tích, trong khi, các chỉ số kinh tế phản ánh chính xác hơn mức sống của người dân, như “bình quân thu nhập đầu người” hay thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), tiết kiệm… đều “vắng mặt” trong báo cáo của Chính phủ.
Có lẽ, đó chính là sự “tài tình” của Đảng!
Ý Nhi – thoibao.de
10.2.2024