Vinfast- con ngựa kiệt sức đang chạy nước rút!

Theo bản cáo bạch ngày 2/10/2023, và được cập nhật vào ngày 18/1/2024 trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ, số cổ phiếu VFS của VinFast chào bán ra công chúng chỉ mới đạt 75 triệu cổ phiếu. Tức là, trong gần 4 tháng, không có cổ phiếu mới chào bán ra thị trường. Như vậy là, việc huy động vốn vẫn đang “đứng yên tại chỗ” trong nhiều tháng liền.

Chỉ mới bán ra 3,2% lượng cổ phiếu phát hành, mà giá cổ phiếu đã lẹt đẹt không lên nổi. Điều này chứng tỏ, thị trường Nasdaq chưa chấp nhận cổ phiếu VFS của VinFast. Nếu tung ra thêm, có thể, giá cổ phiếu lại rớt thê thảm hơn và trở thành cổ phiếu rác.

Ngày 8/2, giá cổ phiếu VFS của VinFast ngập trong sắc đỏ, xuống chỉ còn 5.31 USD/cổ phiếu. Không biết sang năm mới, giá của VFS có khá lên không, hay vẫn quanh quẩn từ 5 đến 6 USD/cổ phiếu? Với tình hình cổ phiếu như vậy, việc huy động vốn để xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina đang gặp không ít khó khăn.

Ông Phạm Nhật Vượng lấy thị trường Mỹ làm nơi thử thách, để VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu. Việc nỗ lực để lên được sàn chứng khoán Nasdaq, được xem là một thành công. Tuy nhiên, đấy chỉ là thành công bước đầu, còn phải huy động được vốn, đủ để xây nhà máy và nuôi hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ, thì mới là đạt được mục đích.

Như vậy, cho đến nay, mục đích này VinFast chưa đạt được.

Được biết, năm 2023, VinFast chỉ tiêu thụ được ở Mỹ 445 xe, mà chủ yếu là xe cho thuê. Do vậy, VinFast không được xếp hạng trong Top 45 nhãn hiệu xe mà người Mỹ mua trong 2023 (bao gồm cả xe xăng, xe hybrid và xe điện).

Mỹ là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới. Riêng với xe điện, trong năm 2023, có 1.1 triệu chiếc xe mới được bán ra ở Mỹ, trong đó, riêng Tesla bán ra 655 nghìn chiếc, chiếm 60%. Các hãng xe truyền thống như Ford, GM, Hyundai, BMW, Mercedes, Kia Volkswagen, Nissan, Toyota… bán tổng cộng tầm 450 nghìn chiếc, chiếm 40%. Phần của VinFast gần như không đáng kể.

Năm 2024, VinFast có kế hoạch mở rộng thị trường sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đây được xem là hướng đi “mở đường sống”, bởi hiện nay, dồn hết toàn lực cho thị trường Mỹ khiến VinFast kiệt sức.

Ngay từ đầu, ông Phạm Nhật Vượng đã định hướng sai, và giờ đây, ông đang tìm cách “sửa sai”.

Ở Việt Nam, ông Vượng kiểm soát báo chí và điều khiển cả dàn dư luận viên để định hướng thông tin. Tốt khoe xấu che, và đặc biệt, lực lượng này đánh vào “lòng yêu nước” để người Việt khi mua xe VinFast. Trong giai đoạn đầu, chiến lược này có chút thành công, khi nhiều người không ngại ngùng bỏ tiền ra mua chiếc xe vô danh, chất lượng chưa được kiểm chứng, với giá tương đương một chiếc Toyota. Tuy nhiên, cho tới nay, vũ khí này đã bị “cùn” dần và giảm tính hiệu quả. Việc lập ra Công ty Taxi xanh để tư tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra, được cho là một giải pháp xử lý “hàng ế”, tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu bền.

VinFast đang đuối dần với tham vọng chinh phục đỉnh Everest của thị trường ô tô. Ngay từ đầu, nếu ông Vượng không chọn Mỹ, mà chọn Ấn Độ hay Đông Nam Á để chinh phục trước, thì VinFast đã không phải “kiệt sức” vì gánh núi nợ như bây giờ. Việc quay đầu tìm thị trường dễ tính trong lúc này là bắt buộc, nhưng có vẻ như đã quá muộn. Núi nợ thì cứ mỗi ngày một cao mà điểm hòa vốn thì vẫn mịt mờ tăm tối.

Thị trường Đông Nam Á đã bị Tesla và BYD chiếm lĩnh từ nhiều năm qua. Nếu đầu tư sớm vào thị trường này, thì giờ đây, có thể VinFast đã đồng hành cùng các ông lớn khác. Còn giờ này mới quay đầu sang Ấn Độ và Đông Nam Á, thì xem như, VinFast cố chạy nước rút so với đối thủ, nhưng lại đang trong tình trạng “kiệt sức” vì bị thị trường Mỹ bào mòn.

Non trẻ thì cần định hướng đúng trước đối thủ. Còn non mà cứ phí sức, thì rất khó thành công. Bởi một khi nhận ra sai lầm, thì thể đã là “quá muộn”.

Trà My – Thoibao.de

10.2.2024