Chính sách ngoại giao “đu dây” Việt nam một lần nữa phải trả giá?

Chính sách ngoại giao của Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn duy trì theo kiểu nước đôi. Một mặt dựa vào Hoa Kỳ và phương Tây để phát triển kinh tế. Mặt khác, vẫn dựa vào Trung Quốc và Nga, để bảo vệ chế độ độc tài.

Chính sách này đã khiến Việt Nam phải trả giá, không chỉ một lần.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 12/2,

dẫn tin từ một hãng tin quốc tế cho biết: “Power Machines thắng kiện PetroVietnam”. Theo đó, nhà sản xuất thiết bị điện của Nga – hãng Power Machines, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov, đã thắng kiện công ty dầu khí nhà nước PetroVietnam của Việt Nam.

Theo hãng tin quốc tế, nhật báo RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, tập đoàn Power Machines đã thắng kiện vào tháng 11/2023, với khoản tiền thắng kiện 500 triệu USD. Tuy nhiên, các điều khoản của quyết định này được giữ bí mật, và không bên nào có thể tiết lộ trong giai đoạn này.

Vẫn theo hãng tin quốc tế, Hồ sơ tòa án Nga cho thấy, Power Machines cũng đã đệ đơn kiện PetroVietnam tại Nga, lên tòa án ở Moscow vào ngày 2/2.

Qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao.de được biết, Power Machines là một công ty của Cộng hòa Liên bang Nga, chuyên sản xuất động cơ tuốc bin cho các nhà máy phát điện. Vụ kiện của hãng Power Machines được đệ trình tại Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore, để đòi lại khoản chi phí mà hãng này đã bỏ ra, khi thi công xây dựng nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cho Việt Nam, từ những năm 2010.

Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 nằm tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án được Bộ Công thương phê duyệt, với quy mô công suất thiết kế khoảng 4.400 MW (gần gấp đôi công suất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình).

Dự án này đã chính thức dừng lại vào tháng 1/2019, vì Power Machines bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp, sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014.

Đài Á Châu Tư Do (RFA) cho biết, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, có công suất bước đầu 1.200MW, do liên doanh giữa Power Machines và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (một đơn vị thành viên của PVN) là tổng thầu EPC, với tổng giá trị hợp đồng là 1,2 tỉ USD.

Power Machines muốn rút khỏi dự án, nên đã kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giải quyết, chấm dứt hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây lắp. Lý do, Power Machines bị Mỹ cấm vận, nên khó có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, dù dự án đã hoàn thành được gần 78% dự án.

Được biết, tháng 2/2019, Power Machines thông báo dừng hợp đồng, với lý do “bất khả kháng”, nhưng phía VN không chấp nhận. Đến tháng 9/2019, Power Machines đã gửi thư thông báo khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, một nguồn thạo tin, đã tiết lộ trên trang Facebook cá nhân, cho biết:

“Nhiệt điện Long Phú 1 được Chính phủ giao cho PVN làm chủ đầu tư từ năm 2010, liên danh tổng thầu là Power Machines. Với tổng mức ban đầu khoảng 29.500 tỉ, nhưng sau 9 năm, dự án đã đội vốn lên 41.200 tỉ. Thời điểm Power Machines thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng do nhiều trở ngại bất khả kháng, dự án đã triển khai được khoảng 78% và ngừng đến nay.

Theo các hãng thông tấn Nga, thì phía Việt Nam ban đầu phớt lờ các cuộc đàm phán ở cấp chính phủ, buộc Power Machines phải đưa vấn đề ra tòa. Quá trình phân xử rất phức tạp và kéo dài.”

Theo giới quan sát, việc của Power Machines thắng kiện Việt Nam đã đánh dấu chiến thắng công khai đầu tiên của một công ty thuộc Liên bang Nga, kể từ khi Mỹ áp dụng các biện pháp cấm vận mới đối với Nga liên quan đến việc Nga xâm chiếm Crimea từ Ukraine cũng như cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tập đoàn Power Machines đã làm ăn với Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước, với nhiều công trình nổi tiếng, như thủy điện Thác Bà, nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại, thủy điện Trị An, Hòa Bình. Sau năm 2000, Power Machines tiếp tục tham gia thực hiện thủy điện Yaly, Cần Đơn, Sê San 3, nhiệt điện Uông Bí.

Vẫn theo nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà tiết lộ, “trong nhiều kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có hứa với các đại biểu Sóc Trăng. Sau khi có phán quyết của Trọng tài Quốc tế, PVN sẽ đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai Nhiệt điện Long Phú 1.”.

Xin nhắc lại, chính sách đối ngoại của Ban lãnh đạo Việt Nam, với phương châm tất cả đều là bạn, hay còn gọi là chính sách ngoại giao đu dây. Việc chính sách đối ngoại không nhất quán, chính là lý do khiến Việt Nam phải trả giá 500 triệu USD cho đối tác, là một công ty của Nga trong dự án Nhiệt điện Long Phú 1.

Đây là thêm một ví dụ nữa cho thấy, Việt Nam đã chọn phe thì cần chọn duy nhất một bên, chứ không thể đu dây hay ngoại giao hai hàng. Vì rõ ràng, Việt Nam có được tiếng không phân biệt đối tác, nhưng dứt khoát không có miếng về kinh tế./.

 

Trà My – Thoibao.de

13.2.2024