Vì sao năng suất lao động của Việt Nam quá thấp trong khu vực Đông Nam Á?
Năng suất lao động thấp sẽ cản trở tiến trình hội nhập toàn cầu, đây là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, khi so sánh tiềm năng sản xuất của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Báo VnExpress online ngày 16/2 đưa tin, “Năng suất lao động theo giờ của Việt Nam thua Philippines, Indonesia”. Bản tin cho biết, dù tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua, song năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho biết, theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý, chiếc chìa khóa mà Việt Nam cần nắm chắc, đó là tăng trưởng năng suất lao động.
Công bố của Ngân hàng Thế giới kể trên, hoàn toàn phù hợp với đánh giá của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt nam, công bố năm 2023, được truyền thông nhà nước đưa tin. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cao hơn Campuchia 2,4 lần; hơn Myanmar 1,6 lần và hơn Lào 1,2 lần.
Một câu hỏi đặt ra là, vì sao năng suất lao động của Việt Nam lại thấp đến vậy, có phải, sức làm việc của người lao động Việt Nam kém người lao động Singapore đến 15 lần?
Chuyên gia kinh tế tài chính cấp cao, ông Bùi Kiến Thành, hiện là cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Việt Nam, giải thích:
“Đó là cái năng suất lao động, mỗi đầu người làm ra được bao nhiêu sản phẩm, để so với sản lượng đầu người của Việt Nam, thì nó thấp hơn là bao nhiêu?
Thí dụ, một công nhân Việt Nam sử dụng một cái máy trong một tiếng đồng hồ, có thể sản xuất ra 100 sản phẩm ốc vít. Trong khi đó, cũng cùng cái đầu vào như nhau, thì một công nhân Singapore có thể sản xuất gấp 15 lần. Sự khác biệt đó gọi là năng suất lao động.”
Theo giới chuyên gia, năng suất lao động của Việt Nam khi so với Singapore có sự khác biệt lớn, là do công nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, cũng như chưa được đầu tư máy móc phù hợp và điều kiện làm việc không theo kịp Singapore.
Việt Nam gặp rất nhiều hạn chế so với các nước khác, như: điều kiện lao động; trình độ lao động; trang thiết bị máy móc… Trong đó, 2 yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, đó là trang bị công nghệ, trình độ và năng lực của người lao động.
Ngoài ra, trong chiến lược phát triển của Việt Nam trước đây, đã xem lao động giá rẻ là một lợi thế trong cạnh tranh. Đến nay, đã thấy rõ điều này là một sai lầm lớn. Bởi vì, yếu tố quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp, chính là năng suất lao động, mà trình độ tay nghề là yếu tố quyết định.
Do đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, yếu tố tổ chức quản lý, cải cách thể chế, chính là lý do dẫn đến sự tụt hậu về phát triển. Theo đó, điều “Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là, nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm mới có hiệu quả và cần thiết. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại như: sản xuất bia, nước ngọt… thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động có hiệu quả hơn”.
Để giải quyết bài toán về tăng năng suất lao động, theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp cần phải xác định mô hình sản xuất phù hợp, hoàn thiện giá trị sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ. Cũng như, cần nâng cao ý thức, kỷ luật, thái độ làm việc nghiêm túc cho người lao động.
Sinh thời, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, từng có câu nói rất nổi tiếng khi nói về Việt Nam: “Nếu có vị trí số một Đông Nam Á, thì đó phải là Việt Nam”. Nhưng thực tế đến nay, vị trí số 1 ấy đã thuộc về Singapore.
Điều đó cho thấy, trình độ, năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia, có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc đưa một đất nước phát triển thịnh vượng./.
Trà My – Thoibao.de