Vì sao Bamboo Airways đột ngột dừng đường bay Hà Nội, TPHCM- Côn Đảo!
Ngày 23/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Bamboo Airways dừng đường bay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo từ tháng 4/2024”.
RFA cho biết, đại diện Bamboo Airways thông báo tin trên với truyền thông trong ngày 23/2. Nội dung thông báo thể hiện, sau khi đã ngừng khai thác loại máy bay Boeing B787-9 từ tháng 11/2023, Bamboo Airways tiếp tục trả sớm các máy bay Embraer E190 cho đối tác cho thuê. Do đó, từ tháng 4/2024, hãng sẽ chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp (Airbus A320/321), tập trung khai thác các đường bay trục Bắc – Nam giữa Hà Nội và Sài Gòn, từ Hà Nội và Sài Gòn đi Đà Nẵng và các địa phương trong nước có dung lượng thị trường lớn.
Theo RFA, đại diện Bamboo Airways cho biết, phần lớn các sân bay được Bamboo Airways khai thác bằng máy bay Embraer, đều nằm trong kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng của Chính phủ và cơ quan chức năng, để đón các máy bay có tải trọng lớn hơn, phục vụ nhu cầu của đông đảo hành khách trong và ngoài nước.
Dự kiến, sau khi hoàn thiện nâng cấp các sân bay trên, hãng sẽ khai thác trở lại bằng các dòng tàu bay lớn và hiện đại hơn, phù hợp với điều kiện thực tế.
Embraer E190 là loại máy bay phản lực cỡ nhỏ do Brazil sản xuất, được giới chuyên gia đánh giá không còn phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam.
RFA cho biết thêm, Việt Nam hiện chỉ còn 3 sân bay có đường băng ngắn, ở Côn Đảo, Cà Mau và Rạch Giá. Trong đó, sân bay Côn Đảo và Rạch Giá đã được định hướng sẽ mở rộng và kéo dài đường băng để tiếp nhận được Airbus A320/321 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chuyện hãng hàng không Bamboo Airways gặp khó khăn trong những năm gần đây, không phải chuyện mới lạ. Khó khăn của hãng phát sinh sau khi cổ đông sáng lập duy nhất là tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị bắt, với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vào tháng 12/2023, RFA đưa tin, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái yêu cầu 6 bộ, ngành khẩn trương xử lý các kiến nghị của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways. Theo đó, Bamboo Airways đang phải đối mặt với “thua lỗ và nợ nần do những khó khăn nhất định”.
Sáu bộ, ngành được Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái yêu cầu xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways, gồm Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Khái cũng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các ngân hàng MSB, Sacombank, OCB, NCB… hỗ trợ cho Bamboo Airways.
Cuối tháng 11/2023, vẫn RFA đưa tin “đường bay Cần Thơ – Phú Quốc tạm dừng do Bamboo Airways rút khỏi”, bởi Bamboo Airways là hãng hàng không duy nhất khai thác tuyến bay này.
Đầu tháng 11/2023, RFA cho hay “Bamboo Airways bị phong toả tài khoản vì nợ thuế hơn 102 tỷ đồng”. Theo đó, hãng này bị Cục Thuế Bình Định cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản và phong tỏa các tài khoản ngân hàng, vì nợ quá hạn hơn 102 tỷ đồng tiền thuế.
Các tài khoản ngân hàng của Bamboo Airways bị phong tỏa bao gồm: Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Quy Nhơn; Ngân hàng MB – Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng Techcombank.
Trước đó, tháng 10/2023, RFA cũng cho biết, Bamboo Airways sẽ giảm tần suất của nhiều tuyến không hiệu quả vì nhu cầu thấp, gia tăng các tuyến có nhu cầu cao. Các tuyến bị cắt giảm gồm: tuyến đến London Gatwick, Melbourne và Seoul.
Từ tháng 9/2023, RFA đã loan tin Bamboo gặp khó khăn về tài chính, chậm trả lương cho nhân viên, khiến 30 phi công nước ngoài nghỉ việc, chiếm 10% số phi công của hãng này. Trong đó, một số phi công tự xin nghỉ, còn một số khác thì bị cho nghỉ việc.
Ở thời điểm này, hãng Bamboo Airways cho biết, hãng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, liên quan đến hệ thống tuyến bay, đội máy bay và nhân lực.
Hoàng Anh – thoibao.de