Những câu hỏi đằng sau khối tài sản khủng của những Đỗ Hữu Ca

Những câu hỏi đằng sau khối tài sản khủng của những tướng Đỗ Hữu Ca

Ngày 23/2, báo Tiếng Dân có bài “Đằng sau cái gì?” của nhà báo Đoàn Bảo Châu.

Tác giả nhận xét, một nô bộc như Ca có tới 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức. Tác giả không tin Ca tài năng tới mức buôn bán bất động sản để có được tài sản này.

Vậy, tác giả đặt câu hỏi, những doanh nghiệp nào liên quan để Ca có được khối tài sản này? Số tài sản các doanh nghiệp có được nhờ sự liên kết ấy, gấp bao lần số tài sản của Ca?

Tác giả nhận định, loại trừ ngành sản xuất, thì trong buôn bán, móc ngoặc, câu kết, tài sản không tự nhiên sinh ra mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác. Vậy, số tài sản của Ca cùng các doanh nghiệp liên quan đã khiến thất thoát bao tài sản công hay tài sản tư? Bao giọt nước mắt của dân oan đã đổ xuống vì số tài sản khó có thể định lượng được ấy?

Tác giả tiếp tục nêu câu hỏi: Trên dải đất hình chữ S này, có bao nhiêu Đỗ Hữu Ca? Và cứ thế nhân lên, thì sẽ có bao tiếng khóc, bao giọt nước mắt của dân oan?

Tác giả cho rằng, cái mà chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vậy phần chìm không thể nhìn thấy kia to đến đâu, và nó tạo ra sự đau khổ của người dân đến chừng nào?

Toàn bộ ý nghĩa của cuộc Cách mạng vô sản là để “do dân” “vì dân”, tức là phục vụ cho tầng lớp lao động. Coi giai cấp lao động là lực lượng nòng cốt của Cách mạng, của xã hội. Vậy, sau mấy chục năm, tại sao vẫn tồn tại những số phận như chị Dậu, phải bán con vì khó khăn?

Tác giả khẳng định, nhóm Dân Oan là một lực lượng có thật ở Hà Nội và các tỉnh khác. Họ liên quan tới những “ông quan” kiểu Đỗ Hữu Ca như thế nào? Và chính quyền giải quyết được bao nhiêu phần trăm những lá đơn kêu cứu của họ?

Cũng bình luận về vấn đề này, ngày 24/2, báo Tiếng Dân đăng bài “Tổ chức chính quyền đã tạo ra những Đỗ Hữu Ca” của nhà văn Phạm Đình Trọng.

Tác giả đề cập đến vụ cưỡng chế ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng, vào năm 2012, do Đỗ Hữu Ca cầm đầu, mang theo sức mạnh bạo lực nhà nước, với cảnh sát vũ trang đầy đủ, dàn thế trận, rải quân trên bộ, rải quân đường biển, vây chặt 4 hướng ngôi nhà dưới cả cấp 4 của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn.

Theo tác giả, công cuộc khai hoang lấn biển của gia đình Đoàn Văn Vươn là nối tiếp sự nghiệp mở cõi ngàn đời của ông cha, mà Nguyễn Công Trứ đã làm và được lịch sử ghi công.

Tác giả mỉa mai, nhà nước Việt Nam luôn tự hào khẳng định là nhà nước pháp quyền, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Nhưng, theo tác giả, một xã hội có luật pháp, một nhà nước pháp quyền không cho phép sử dụng công cụ bạo lực nhà nước, sử dụng quân đội và công an, sử dụng súng đạn trong tranh chấp dân sự.

Tác giả nhắc lại, khi Giám đốc Công an Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy lực lượng cảnh sát trang bị vũ khí hiện đại xả đạn vào gia đình người nông dân Đoàn Văn Vươn, là khi gia đình này còn đang khiếu kiện, nhờ luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng, và toà án chưa xét xử.

Vậy mà, Ca còn huênh hoang: “Phải nói rằng trận đánh đẹp, hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay”.

Tác giả bình luận, từ việc làm đến lời nói của Ca, đã bộc lộ đầy đủ, rõ ràng một nhận thức rất thấp kém, sai trái tệ hại, bộc lộ một nhân cách xấu xa, một con người bất nhân, thất đức, một công chức u mê, ngu xuẩn và ngông cuồng đến mức lùa quân xả súng bắn người dân lương thiện, bắn vào cuộc sống lao động bình yên, bắn vào luật pháp.

Tác giả kết luận, dung dưỡng, phong tướng cho một con người thấp hèn, mà tổ chức chính quyền phong tướng cho cái thấp hèn thì vô can, sẽ còn nảy nòi thêm nhiều Đỗ Hữu Ca.

 

Hoàng Anh – thoibao.de