Dựa vào bán đất hay tài sản công không giúp cho việc phát triển bền vững
Ngày 20/2, BBC Tiếng Việt đăng bài bình luận “Để phát triển nhanh và bền vững, đừng dựa vào bán đất hay tài sản công” của Luật sư Ngô Ngọc Trai.
Tác giả đề cập đến ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào dân, thay vì bán đất hay tài sản công, khi trả lời phỏng vấn của báo chí dịp Tết vừa qua.
Tác giả nhắc lại những bất cập về chính sách đất đai hiện nay. Ví dụ, bất động sản đất nền phục vụ chủ yếu cho hoạt động đầu cơ, làm trầm trọng thêm tình trạng rao bán khi chưa đủ điều kiện cấp phép, thổi giá, đẩy giá, “lùa gà” trong bất động sản, dẫn đến nhiều vụ án trong thời gian qua. Tác giả kiến nghị rằng, pháp luật nên bãi bỏ loại hình sản phẩm đất nền.
Tuy nhiên, tác giả nhận ra, nhiều địa phương coi trọng nguồn thu từ đất đai và muốn triển khai các dự án đất nền để tạo nguồn thu cho ngân sách. Thực tế này sẽ là một trở ngại cho việc bãi bỏ loại hình đất nền.
Nhưng qua bài trả lời phỏng vấn của ông Đinh Tiến Dũng, tác giả thấy được lối ra cho vấn đề, và hy vọng rằng đây cũng sẽ là quan điểm của nhiều lãnh đạo nhà nước.
Tác giả tin là, đóng góp nguồn thu từ đất nền không nhiều và xu hướng là sẽ giảm, bởi lẽ cùng với sự phát triển kinh tế, thì nguồn thu từ các hoạt động kinh tế khác, như đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu hay thị trường xuất khẩu nông sản, sẽ tăng lên.
Thực tế, nhiều sản phẩm đất nền không đưa tới các hoạt động xây dựng, cho nên, hầu như không tạo ra tác động góp phần tăng trưởng cho các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép hay nhân công lao động.
Mặt khác, tác giả phân tích, bất động sản đất nền chứa đựng tích tụ trong đó hầu hết những điểm bất cập, lạc hậu của cơ chế chính sách về đất đai, ví như thẩm quyền thu hồi đất của người dân rồi giao cho doanh nghiệp.
Bất động sản đất nền cũng dựa vào bất cập về khung giá đất, trong đó, việc thu hồi, đền bù cho người dân với giá thấp, nhưng sau đó, chỉ san lấp mặt bằng rồi lại bán với giá đất ở theo giá cao.
Dự án đất nền cũng tìm kiếm lợi nhuận từ cơ chế xin cho, trong việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Sự thay đổi giá trị tài sản của đất đai, theo đó, không dựa vào các hoạt động sản xuất thực chất mà chỉ là sự thay đổi trong cơ chế quản lý hành chính.
Do đó, theo tác giả, doanh nghiệp làm dự án đất nền dựa nhiều vào quyền lực hành chính công.
Tác giả dẫn quan điểm từ cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại?”, theo đó, xã hội loài người phát triển dựa vào 2 thể chế kinh tế: Chiếm đoạt (hay khai thác) và dung hợp. Các quốc gia thành công đều dựa vào thể chế kinh tế dung hợp.
Ở Việt Nam, nhà nước đã phát triển kinh tế thị trường và xây dựng thể chế ngày càng theo hướng dung hợp, nhưng tốc độ tiến bộ không phải lúc nào cũng đồng đều giữa các lĩnh vực. Tuy nhiên, thể chế khai thác vẫn tồn tại, mà lĩnh vực đất đai là điển hình, và loại hình dự án đất nền khiến vấn đề càng trở lên nổi cộm.
Tác giả bình luận, các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, có lẽ cũng đã đồng ý với nhau rằng, một quyền sở hữu tư nhân vững chắc sẽ là nền tảng phát triển cho kinh tế thị trường.
Điều này, có lẽ cũng đã đạt được đồng thuận nhận thức chung ở đông đảo các doanh nhân và những người làm kinh tế.
Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh, một quyền sở hữu mạnh sẽ không thể đạt được, khi mà vẫn tồn tại các quy định cho phép việc khai thác tài sản, khiến cho quyền sở hữu tư nhân yếu và lỏng lẻo.
Bởi vậy, tác giả kết luận, việc bãi bỏ loại hình sản phẩm đất nền vừa giải quyết những bất cập trong thực tế hiện nay, vừa là việc làm có ý nghĩa trong dài hạn về củng cố quyền tư hữu.
Xuân Hưng – thoibao.de