Phim ảnh và Chỉ thị 24: Xã hội phân mảnh trong một chính thể ‘lá mặt, lá trái’
Ngày 4/3, blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Phim ảnh và Chỉ thị 24: Xã hội phân mảng trong một chính thể “lá mặt, lá trái”’.
Theo đó, Chỉ thị 24 là chủ trương không mấy minh bạch về quá trình ngăn chặn dân chủ hóa Việt Nam. Nhưng “dậy sóng” về sự phát hiện ra nó cũng chẳng làm cho Mỹ và phương Tây nản lòng, trong việc thúc đẩy các mối bang giao chiến lược với Hà Nội.
Tác giả cho biết, ngồi bất kỳ các quán cà-phê Hà Nội nào những ngày này, vào giờ đông khách, câu chuyện đều râm ran quanh hai đề tài: Phim “Đào, phở và piano” cùng với “Chỉ thị số 24”.
Hai chủ đề thật ra chẳng liên quan gì đến nhau, thời gian xuất hiện cũng ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên nhưng lại dẫn tới những “rối loạn nhân cách” của xã hội, và phần nào gây ra “sự rạn vỡ” trong nền chính trị chuyên chế.
Về phim “Đào, phở và piano”, tác giả đánh giá, “là sản phẩm điện ảnh của thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Tuy phim này gặt hái được một ít về thương mại, nhưng, như Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai từ Sydney bình luận, nó bị chê bai không ngớt, do tính giả trân như sân khấu kịch, non tay về kỹ xảo, gượng ép về kịch bản…
Còn về “Chỉ thị số 24”, tác giả cho rằng, đây lại là câu chuyện nói về một tài liệu “Mật!” của Bộ Chính trị, do Thường trực Ban Bí thư ký và ban hành cách đây hơn 8 tháng.
Đánh giá về tổng thể, “Chỉ thị 24” nói lên não trạng “lá mặt, lá trái” quen thuộc xưa nay của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo tác giả, nội dung của Chỉ thị là nhằm chấm dứt các ảnh hưởng của nước ngoài vào quá trình hoạch định chính sách, ngăn chặn các tổ chức nước ngoài và Việt Nam tăng cường sử dụng hợp tác quốc tế, như một phương tiện để thúc đẩy xã hội dân sự và các nhóm chính trị đối lập trong nước.
Tác giả dẫn quan điểm của Minh Đức, bình luận trên VOA rằng: “Chỉ thị 24 được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đàn áp mạnh tay các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, một chiến dịch bắt đầu từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền vào năm 2016”.
Tác giả cũng dẫn một tờ báo Pháp, ngày 2/3, nhận xét, “Chỉ thị 24” thực chất là một bản sao nguyên mẫu từ “Chỉ thị số 9” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói về các nguy cơ mỗi khi các nước Cộng sản còn rơi rớt lại buộc phải hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây vì sự sinh tồn.
Tác giả dẫn nhận định của giới thạo tin nội chính trong nước, khẳng định, cái gọi là “Chỉ thị Mật 24” chẳng có nội dung gì là “Mật!” cả. Từ Trung ương xuống các tỉnh thành, mọi đảng viên, đều đã được quán triệt văn bản này từ mùa hè năm 2023.
Mục tiêu tối hậu của Chỉ thị số 24 là đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, được các Giám đốc Công an mỗi tỉnh đích thân phổ biến, chỉ đạo học tập.
Tác giả nhận xét, càng hợp tác sâu rộng với thế giới dân chủ, Đảng càng lo sợ dân chúng sẽ có những giác ngộ mới, nhu cầu mới đối với dân chủ, nhân quyền và tôn giáo… Cho nên, Đảng đã quyết định “đánh chặn” trước bằng Chỉ thị 24. Điều này, Đảng thấy không cần phải giấu giếm, còn Mỹ cùng các nước phương Tây cũng “chấp nhận”, vì những lợi ích chiến lược của họ.
Tác giả phân tích, việc lôi cuốn dân chúng, nhất là thế hệ trẻ vào các cuộc tranh luận về phim ảnh, nghệ thuật, hay các trò tiêu khiển khác, cũng là một trong những “thủ pháp” để Đảng “phân tâm xã hội”. Những người chê phim “chống Pháp” bị “dư luận viên” của Đảng chửi bằng các diễn ngôn thời “chống Mỹ cứu nước” và chống “ngụy quân – ngụy quyền”, là một trò tiêu khiển nguy hiểm. Tệ hại hơn nữa, sự chửi bới đó phần lớn đến từ giới trẻ. Nó cho thấy, công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc không những vẫn còn dang dở với các thế hệ đi trước, mà di chứng đã kịp di truyền đến các thế hệ hôm nay.
Nhưng, vẫn theo tác giả, một xã hội phân mảnh và chia rẽ như vậy là có lợi cho Đảng, vì dân chúng sẽ không quên “mài sắc căm thù” đối với “thực dân Pháp” và “đế quốc Mỹ”, vốn là những “đối tác chiến lược” và “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, trong sự nghiệp cứu nền kinh tế đang tụt dốc, và ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Đây chính là thuộc tính “lá mặt lá trái” trong chính sách của Đảng.
Hoàng Anh – thoibao.de