Kinh tế ảm đạm, hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn tiếp tục rút lui
Ngày 4/3, RFA Tiếng Việt có bài “Hàng chục ngàn doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường trong 2 tháng”.
RFA dẫn Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cho biết, bình quân 1 tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, như vậy, 2 tháng đầu năm 2024 có khoảng 63.000 doanh nghiệp rút lui.
RFA dẫn lời Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tư nhân ở quận 2, Sài Gòn, cho biết:
“Tình hình sáu mươi mấy ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì cũng đúng thôi, vì kinh tế đi xuống. Nhưng 2 tháng vừa qua cũng có khoảng 130 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới. Có đi cũng có đến, nhưng nói chung tình hình vẫn khó khăn. Thứ nhất là giá nguyên liệu tăng, thứ hai là giá năng lượng tăng, thứ ba là đầu ra hầu như hoàn toàn giảm sút rất lớn, tới khoảng 30 – 40 %, lượng hàng xuất khẩu cũng rất ít… Còn thị trường trong nước thì điêu đứng, rơi vào tình trạng người bán thì có, người mua thì không.”
Về tình trạng mặt bằng đẹp ở khu trung tâm không có người thuê, ông đánh giá:
“Do kinh doanh chịu không nổi, cái chính là do thu nhập người dân không có, đầu tư nước ngoài vào không có, việc làm không có, người dân không có tiền tiêu xài… nên sức mua giảm và kéo theo cả nền kinh tế. Đặc biệt là những hệ thống bán lẻ vất vả lắm. Tôi sợ tình hình còn bi đát hơn thời năm 2023. Mình hy vọng thôi, chứ thật sự đối với một nhà sản xuất nhỏ như tôi thì thật lòng mà nói rất bi đát.”
Vị này còn cho biết thêm, đối với ngân hàng có vốn cho vay mà không ai vay, còn người vay thì không dám vay, vì vay không để làm gì. Theo vị Giám đốc này, hầu như toàn bộ hệ thống tiêu dùng, thu nhập của người dân lao dốc một cách khủng khiếp, và khó khăn rất nhiều.
RFA cho biết, không chỉ doanh nghiệp tư nhân, đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ, từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng, xin được hỗ trợ hoặc tăng giá, như Vietnam Airline hay EVN.
RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định:
“Đây là một tình hình rất đáng quan ngại, bởi vì các doanh nghiệp đó tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Việc doanh nghiệp đóng cửa là bởi vì trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển tốt, nhưng công nghiệp của Việt Nam, nhất là công nghiệp chế biến, gặp nhiều khó khăn, do các sự kiện vận tải ở Biển Đỏ – Trung Đông, cũng như việc nhập các nguyên vật liệu và việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu có nhiều khó khăn.”
“Số doanh nghiệp đóng cửa lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký mới, vì vậy, sức ép lên công ăn việc làm, cũng như việc bảo đảm nguồn thu ngân sách từ khu vực kinh doanh trong nước là khó khăn. Trong khi đó, diễn biến của đầu tư nước ngoài cũng không đạt.”
“Các cơ quan nhà nước cũng đang cố gắng vận dụng chuyển đổi sang kinh tế số và chính phủ điện tử, để giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc trong khi thực hiện các thủ tục kinh doanh. Tuy vậy, cho đến nay số những giấy phép con vẫn đang ở mức độ rất lớn, khoảng 6.000 giấy phép con.”
Và theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lời kêu gọi của Thủ trưởng Chính phủ là “phải xem xét loại bỏ các giấy phép con để cho người dân có thể tự do kinh doanh theo pháp luật”… là một lời kêu gọi cần phải được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Còn theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trả lời RFA mới đây, nếu Chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước, và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh… thì việc tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mới có thể thực hiện được.
Hoàng Anh – thoibao.de