Tập Cận Bình tự trói tay
Ngày 6/3, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA Tiếng Việt có bài “Tập Cận Bình tự trói tay”.
Tác giả cho hay, Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng địa ốc chưa từng có, dẫn đến việc hàng trăm công ty xây dựng giảm bớt công việc, các công ty lớn phá sản.
Hậu quả là cả nền kinh tế gặp khó khăn, vì giá nhà cửa xuống khiến nhiều người cảm thấy mình nghèo hơn; họ giảm bớt tiêu thụ, các nhà sản xuất cắt giảm giá hàng hóa. Trung Quốc hiện là nước duy nhất bị “giảm phát” trong số các nền kinh tế lớn.
Tác giả nhận xét, vì vậy, không ai ngạc nhiên khi biết ông Tập Cận Bình đang lo cứu ngành địa ốc, với “mô hình mới”.
Mô hình “cũ” của Trung Cộng là khuyến khích tư nhân xây dựng nhà cửa bằng cách trợ cấp, nhưng không thả cho thị trường quyết định như ở các nước tư bản, mà nhà nước nhúng tay vào, từ việc xây nhà đến việc dân tiêu thụ mua nhà. Chính quyền các địa phương hồ hởi thực hiện chính sách này. Không những vay tiền của các ngân hàng trong nước, các công ty xây dựng vay đô la trong thị trường quốc tế. Số trái phiếu vay và trả bằng mỹ kim tăng từ 675 triệu USD năm 2009, lên 64.7 tỷ USD năm 2020.
Theo tác giả, hậu quả của chính sách trên là hoạt động đầu cơ bùng nổ: Các công ty chạy đua xây cất kiếm lời, người có tiền đặt mua nhà trước để hy vọng bán lại kiếm lời… Công việc xây cất nhà ở chiếm 30% Tổng Sản Lượng Nội Địa cả nước.
Nhưng, vẫn theo tác giả, năm 2020, Tập Cận Bình thay đổi, không dễ dãi với các công ty xây cất cũng như người mua nhà nữa. Chính sách đưa ra gấp quá và mạnh quá, khiến người xây nhà lúng túng vì cạn tiền; giới đầu cơ không kịp bán lại trước khi giá nhà xuống thấp, mà vẫn phải đóng tiền trả góp. Cuộc khủng hoảng bắt đầu và càng ngày càng nặng, khiến nhà nước phải nhúng tay lần nữa, đưa ra một “mô hình mới”.
Tác giả cho biết, theo “mô hình can thiệp mới” này, Chính phủ sẽ dành một ngân khoản, tương đương với 280 tỷ mỹ kim, để đứng ra mua, rồi đem cho thuê những ngôi nhà đang xây nửa chừng thì bị ngưng vì thiếu tiền. Khi thực hiện xong “mô hình mới” trong vòng 5 năm, Chính phủ sẽ làm chủ 30% số nhà cửa mà dân chúng đang ở. Hiện nay, nhà nước chỉ làm chủ 5%.
Tác giả nhận định, “mô hình mới” này sẽ khiến thị trường địa ốc Trung Quốc trở lại rất giống thời Mao Trạch Đông, khi Đảng và Nhà nước làm chủ hầu hết các công trình xây dựng mới. Chỉ có một điều khác là, thời Mao các căn hộ được cung cấp cho công nhân viên các xí nghiệp, còn bây giờ, họ sẽ đóng vai “không có nhà đi ở thuê” và phải trả tiền.
Tác giả dẫn lời ông Hà Lập Phong, Phó Tổng lý Quốc vụ viện (tức Phó Thủ tướng), cho răng, thì hoạch mới có hai hệ quả tốt. Thứ nhất, Chính phủ sẽ kiểm soát được số lượng nhà cửa cung ứng cho thị trường. Thứ hai, nhà nước sẽ quyết định giá nhà tối thiểu phải là bao nhiêu, không lo khi bán hay cho thuê sẽ bị lỗ lã.
Tác giả nêu vấn đề, hiện nay, Trung Quốc đang có ít nhất 7 triệu căn hộ không ai ở, xây thêm 6 triệu căn hộ mới, thì làm cách nào đẻ ra thêm người để mua hoặc thuê nhà? Trong khi, dân số Trung Quốc đã bắt đầu đi xuống từ 2 năm qua và sẽ còn giảm nữa. Làm cách nào Chính phủ có thể ấn định giá tối thiểu khi bán hoặc cho thuê, trong lúc số cung vẫn cao hơn số cầu?
Tác giả bình luận, kế hoạch trên đây cho thấy, Trung Cộng sẽ quay ngược chiều hướng phát triển; nhà nước phải gánh vác một hoạt động kinh doanh quan trọng, mà trước đó vẫn giao cho thị trường tư nhân. Hơn nữa, kế hoạch mới này cũng cấm tư nhân mua nhà rồi bán lại kiếm lời, nghĩa là tước đi quyền làm chủ của họ.
Tác giả kết luận, Tập Cận Bình đang hối thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để kích thích kinh tế và tránh nạn giảm phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả ngược lại. Đúng là tự mình trói tay mình!
Minh Vũ – thoibao.de