Việc người chỉ trích VinFast gặp rắc rối với công an, lên báo chuyên về ô tô điện của Mỹ

Những người chỉ trích VinFast ở Việt Nam đối mặt với công an (Phần 1)

Ngày 12/2, trang InsideEVs có một bài viết của tác giả Kevin Williams, với tựa đề được dịch là “Những người chỉ trích VinFast ở Việt Nam đối mặt với công an”. Bài viết này được dịch giả Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ, và đăng trên báo Tiếng Dân ngày 8/3.

Theo đó, ít nhất, 2 nhà phê bình khác nhau đã bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn, chỉ vì chỉ trích VinFast.

Tác giả đặt câu hỏi: Điều này có ý nghĩa gì đối với khát vọng ở Hoa Kỳ của thương hiệu này?

Tác giả cho biết, những tin nhắn xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến và Facebook rất dữ dội và khẩn cấp, về sự mất tích của một người đàn ông ở Sài Gòn, tên là Sonnie Tran, một giáo viên, người nổi tiếng qua việc tố cáo nhà sản xuất xe hơi và công ty mẹ của nó, Tập đoàn VinGroup. Vụ việc xảy ra vào khoảng giữa tháng 12/2023.

Theo tác giả, cho đến thời điểm đó, Tran (Sơn) vẫn hoạt động tích cực trên Facebook và Facebook Messenger, đăng tin về hoạt động sản xuất và tài chính của VinFast, đồng thời liên lạc với bạn bè và những người ủng hộ. Đột nhiên, Trần ngừng trả lời tin nhắn khiến bạn bè của anh [lo lắng] phát điên. Anh ấy đã biến mất và họ lo sợ điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Không lâu sau đó, tác giả tiếp tục cho hay, [bạn bè của Trần] đưa ra một tuyên bố đau lòng: Ba công an mặc thường phục đã bắt cóc Trần tại một quán cà phê, giữa thanh thiên bạch nhật.

Kết quả cuộc điều tra là, do Trần chỉ trích VinFast, anh có thể đã vi phạm luật pháp Việt Nam. Các nhà phê bình cho rằng, các điều luật này được thiết kế để bóp nghẹt các phát biểu mà chính quyền cho là chống lại đất nước. Sau đó, điện thoại và máy tính của Trần đã bị cảnh sát tịch thu trong quá trình bắt giữ.

 

Hơn nữa, một tài liệu của tòa án Việt Nam mà InsideEVs xem được, đã xác nhận rằng, Trần — và một người khác thân cận với anh ta — đã được triệu tập để nói chuyện với Bộ Công an, “trả lời một số nội dung liên quan đến khiếu nại của Tập đoàn VinGroup”.

Không rõ liệu VinGroup có khởi kiện ông Trần hay không, nhưng một quan chức của VinFast trả lời InsideEVs rằng, họ đã làm như vậy trước đây.

Trước đây, VinFast đã từng khiếu nại một cá nhân vì chia sẻ thông tin sai sự thật về mẫu xe chạy xăng VinFast, gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của khách hàng và uy tín thương hiệu. Vì vậy, chúng tôi đã công khai khiếu nại theo đúng quy trình và thủ tục pháp lý.”

Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, là người đã nghiên cứu chính trị Việt Nam, nói:

Đúng là [luật Việt Nam] đã được sử dụng trong nhiều trường hợp, để truy tố các cá nhân vì “lợi dụng quyền tự do ngôn luận” xâm phạm lợi ích của nhà nước. Hầu hết các vụ việc đều liên quan đến cá nhân chỉ trích nhà nước, nhưng một số vụ cũng liên quan đến doanh nghiệp. [Luật] này thực sự được định nghĩa một cách mơ hồ, dẫn đến khả năng lạm dụng đối với những người chỉ trích.”

Là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam, sẽ không ngạc nhiên nếu VinGroup có sức ảnh hưởng trong việc giảm thiểu báo chí tiêu cực trong nước và có thể yêu cầu chính quyền can thiệp trong những trường hợp như của Sonnie Trần”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, tác giả cho biết thêm, các tài khoản ngoài Việt Nam đặt ra câu hỏi về một nhà sản xuất xe hơi có kế hoạch mở rộng quốc tế lớn, bao gồm cả tiền tư nhân và công cộng ở Hoa Kỳ. Chúng bao gồm khoản ưu đãi 1,2 tỷ USD từ North Carolina cho nhà máy xe điện ở Quận Chatham, gần thủ phủ Raleigh, và khoản vay Liên bang tiềm năng, trị giá 1,4 tỷ USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Hơn nữa, nhà sản xuất này đang thu hút sự chú ý từ khu vực tư nhân, vì gần đây, họ đã đăng ký với nhóm đại lý ở Hoa Kỳ, cho các cửa hàng ở Texas, New York, North Carolina và Kansas.

 

Ý Nhi – thoibao.de