Lò Vinfast đốt đô như đốt rơm khô, Vượng làm nhà đầu tư cạn sức chịu đựng!
Đằng sau ánh hào quang của một công ty lớn, được niêm yết trên sàn Nasdaq, là một rừng khó khăn đang chờ đón VinFast.
Cách mà VinFast lên sàn Nasdaq, không phải nhờ thực lực thật sự, và cũng không có gì là thành công, như báo chí trong nước tung hô. Báo chí quốc doanh vốn bị ông Vượng thao túng, nên việc họ thổi phồng VinFast lên quá mức, là điều dễ hiểu.
Mục đích của việc lên sàn Nasdaq là để huy động vốn, nhưng giá cổ phiếu VFS đang cực thấp và vẫn trên đà đi xuống, thì xem như, việc lên sàn của VinFast là thất bại.
Hiện nay, giá cổ phiếu VFS đã thủng mốc 5 đô la, kéo theo đó là số lượng giao dịch trong một ngày xuống dưới 2 triệu cổ phiếu. Được biết, khi mới lên sàn, số lượng cổ phiếu giao dịch hằng ngày lên đến 10 triệu. Một số chuyên gia dự đoán, cổ phiếu VinFast sẽ không có gì đột biến trong thời gian tới, vẫn theo xu hướng giảm dần, vì nhà đầu tư không thấy hấp dẫn từ cổ phiếu này.
Việc tốn quá nhiều tiền cho VinFast, để nhận lại kết quả như vậy, xem như là thất bại. Doanh nghiệp nào cũng thế, muốn cổ phiếu trở nên hấp dẫn, thì tình hình kinh doanh phải khả quan. Cho dù việc kinh doanh không có lợi nhuận, thì doanh nghiệp vẫn cần thể hiện cho nhà đầu tư thấy triển vọng của mình. Nhưng với tình hình kinh doanh đang rất ảm đạm tại thị trường Bắc Mỹ, VinFast đã khiến cho cổ đông mất hết kiên nhẫn.
Mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch VinFast, đã thừa nhận: “Cơ hội không còn nhiều vì nhà đầu tư không còn kiên nhẫn với các khoản lỗ như xưa”.
Đây được xem là lời nói tránh của bà Thủy cho thất bại ê chề trên đất Mỹ. Lượng xe thì bán nhỏ giọt, cổ phiếu trên sàn Nasdaq thì cứ đi xuống từng ngày, càng ngày càng gần với “cổ phiếu rác”. Nhà đầu tư đã mất hết kiên nhẫn… Tất cả những điều này đã gây nên áp lực rất lớn đối với CEO Phạm Nhật Vượng.
Điểm hòa vốn như là cái bóng, càng ngày càng xa. Mục tiêu bán xe năm 2023 không đạt, vậy làm sao có thể hòa vốn vào năm 2024. Hơn nữa, lượng xe được bán ra, chủ yếu là bán cho hãng taxi GSM – một công ty con của VinGroup! Còn khoản lỗ của VinFast trong năm 2023, chắc chắn không chỉ là 2,4 tỷ đô la Mỹ, bởi VinFast đã sử dụng một số thủ đoạn, che bớt nhiều khoản lỗ.
Bà Lê Thị Thu Thủy cũng nói rằng, “đã qua rồi giai đoạn mà nhà đầu tư rót tiền vào các công ty xe điện chỉ vì bạn có một ý tưởng rất ngầu”. Có phải, đây là một sự thừa nhận muộn màng, trong bối cảnh chính ông Phạm Nhật Vượng nhất quyết phải “đổ bộ” vào Mỹ cho bằng được? Ông Vượng cho rằng, một khi chinh phục được thị trường khó tính, thì việc xâm nhập các thị trường dễ tính hơn sẽ dễ dàng.
Việc đẩy nhanh dự án xây dựng nhà máy trên đất Ấn, như là cách mà ông Vượng sửa chữa sai lầm trên đất Mỹ. Tuy nhiên, đây là cách lấy đúng sửa sai, hay theo kiểu Cộng sản lấy sai sửa sai, thì vẫn chưa biết.
Ở thời điểm này, việc VinFast đổ tiền vào Ấn Độ, cũng là canh bạc. Bởi đến nay vẫn không rõ, dân Ấn có thích xe VinFast hay không, và chắc chắn, VinFast cần thời gian để tiếp cận thị trường Ấn. Trong khi đó, các khoản lỗ khủng và nợ ngắn hạn đang tăng cao, không cho phép VinFast chờ đợi.
Thông thường, ban đầu, các hãng ô tô cho một ít xe nhập vào một thị trường tiềm năng, để làm phép. Đến khi thị trường có phản ứng tích cực, họ mới tiến hành khảo sát, nghiên cứu, và đánh giá triển vọng, từ đó mới đi đến quyết định có xây nhà máy hay không. Còn ông Vượng thì chẳng cần làm phép thử, chẳng cần khảo sát, nghiên cứu… ông quyết định xây nhà máy ngay và luôn.
Ông Vượng đã kiếm được rất nhiều tiền từ bất động sản. Chính nhờ thành công này, ông mới dụ được một số nhà đầu tư đến với VinFast. Tuy nhiên, sự hời hợt trong việc ra quyết định đã khiến ông thất bại.
Có lẽ, ông Vượng muốn xây dựng hình ảnh theo kiểu “tổng tài bá đạo” mô típ Tàu, nhưng tiếc thay, ông lại trở thành một kẻ “điếc không sợ súng”.
Không rõ, đất Ấn có mang lại thành công cho ông Vượng hay không. Nhưng hiện tại, tiền của cổ đông VinFast vẫn đang cháy khét khẹt, mà điểm hòa vốn thì mù mịt, khiến cho cổ đông VinFast rất dễ lên cơn đau tim.
Trà My – Thoibao.de