Phản ứng của người dân trước chuyện V.V Thưởng mất ghế
Ngày 16/3, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Viết Từ Sài Gòn, với tựa đề “Phản ứng của người dân trước chuyện lãnh đạo mất ghế”.
Theo lời kể của ông tác giả, thời Việt Nam Cộng Hòa, 3 chương trình cải cách kinh tế – chính trị và văn hóa của Thủ tướng – Tổng thống Ngô Đình Diệm, gồm Dinh Điền, Trù Mật và Ấp Chiến Lược, đều thất bại. Điều này khiến ông Diệm mang ít nhiều tai tiếng, và bị thế lực thầy chùa Việt Cộng công kích, dẫn đến đảo chính 1963 – cuộc đảo chính khiến cho hầu hết người dân đều thấy buồn và đau lòng.
Tác giả so sánh, thời Việt Nam Cộng Hòa, mỗi lần có chính biến là một lần dân thấy buồn và lo. Còn bây giờ, thời Cộng sản, hình như vấn đề chính biến lại thành trò mua vui của người dân. Vì sao?
Tác giả cho rằng, vì lãnh đạo hoàn toàn không được dân bầu, mà là sự sắp đặt chính trị có tính áp đặt, việc đi bầu chỉ để đảm bảo hình thức dân chủ.
Hiếm có đất nước nào mà người dân phải liên tục biến thành một tập thể diễn viên quần chúng, để cùng với nhà lãnh đạo diễn vở kịch dân chủ thông qua bầu cử.
Tác giả nhận xét, điều đáng nói là, người Việt có tìm hiểu và sử dụng internet, để hiểu biết về dân chủ, tiến bộ, nhưng lại không muốn hành động, hoặc có khuynh hướng chống lại dân chủ. Bởi không ít người biết, có một thứ quyền lợi (cho họ) còn cao hơn cả dân chủ, đó là quyền lợi đỏ. Và một khi nắm được quyền lợi đỏ trong tay, thì mọi thứ phải vượt trên dân chủ, đạp trên dân chủ mà hưởng thụ.
Tác giả đánh giá, điều này vô hình trung đã phơi bày trước mắt nhân dân hàng triệu thứ bẩn thỉu, hèn hạ, xấu xa và tội ác, người dân chỉ có một lựa chọn duy nhất là nhắm mắt làm ngơ, nếu muốn tiếp tục sống yên ổn.
Nhu cầu yên ổn là một tiếng gọi sâu thẳm của hầu hết người dân, bởi họ thừa biết rằng, nếu thẳng thắn nói ra nỗi bất bình, thì cái giá phải trả quá lớn. Chọn im lặng như một cửa sinh trước thời đại có quá nhiều hung thần và tử thần.
Nhưng, tác giả nhận xét, khi người dân càng tỏ ra thấp cổ bé họng, thì nhà lãnh đạo từ cấp Trung ương đến cấp địa phương càng tỏ ra hống hách, coi thường dân, và sẵn sàng cầm roi vụt vào phẩm hạnh của nhân dân một cách lạnh lùng, không ngại coi mình là bậc thánh nhân trước đám dân đen.
Chính vì những mâu thuẫn mang tính căn cốt và kinh niên của dân tộc này, mà mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân dân chưa bao giờ nhạt nhẽo, khô khan, tệ hại như bây giờ.
Tác giả bình luận, khi người dân nghe có chính biến, từ vụ lãnh đạo bị bệnh, lãnh đạo bị mất ghế, cho đến lãnh đạo bị bắt… đều tạo ra những làn sóng vỗ tay ngấm ngầm trong nhân dân. Mà đáng nói ở đây là, ngay cả nhóm dân được hưởng thụ mưa móc từ lợi ích nhóm cũng vỗ tay, vì sao lại có chuyện kì cục như vậy?
Tác giả phân tích, họ vốn rành rõi nhau, hiểu nhau, và thấy được sự bẩn thỉu của nhau. Họ cùng ngồi chung mâm thịt, cùng tôn trọng luật chơi trong việc gắp thịt, uống rượu. Họ kiêng nể nhau vì tránh tình trạng mâm thịt bị hất đổ, nhưng họ coi khinh nhau, thậm chí thù hận nhau, vì uất ức kẻ quá nhiều nạc, người toàn mỡ với gân, xương… Sự thù hận sinh ra từ miếng ăn rất ghê gớm, nhưng lại rất chí thiết khi miếng ăn chưa bị hất đổ. Một sự chí thiết có giấu súng đạn và dao găm trong túi quần của những kẻ ngồi chung mâm.
Và khi cần thiết, theo tác giả, họ ngả về phía quần chúng nhân dân ngay tức thì, một mặt để cho thấy rằng mình “trong sạch”, mặt khác để có đà, có thế mà trù dập, vỗ tay trên cái chết của đồng bọn, đồng minh, đồng chí.
Theo tác giả, khi đồn đoán Chủ tịch Võ Văn Thưởng sẽ bị mất ghế, do liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, lại một lần nữa khiến cho nhân dân mở cờ trong bụng.
Chính vì nỗi trống rỗng và vô vọng về một nền chính trị tốt đẹp, cũng như một lãnh đạo tốt đẹp, mà hầu như người dân, hoặc lãnh cảm, hoặc là sung sướng trước mọi biến cố chính trị tại Việt Nam hiện nay.
Và đáng sợ hơn, tác giả nhấn mạnh, có lẽ, sự sung sướng do các biến cố chính trị gây nên cũng là mối họa lâu dài cho dân tộc, khi hầu như người ta đã trơ lì để nhìn điều đó. Có thể nói rằng, chưa bao giờ quốc gia, dân tộc trở nên khốn đốn như bây giờ!
Quang Minh – thoibao.de