Ngày 17/3, Hội đồng Quản trị của VinGroup ban hành nghị quyết số 03/2024, theo đó, VinGroup và các công ty con sẽ bán 100% phần vốn góp trong Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là công ty sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh Thương mại Sado. Công ty Sado là cổ đông lớn, sở hữu 41,5% vốn điều lệ của Vincom Retail.
Như vậy, sau khi giao dịch theo quyết định này hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của tập đoàn VinGroup.
Theo báo chí quốc doanh, giá chuyển nhượng 100% vốn của VinGroup tại SDI khoảng hơn 39.000 tỷ đồng, tương đương 32 ngàn đồng/cổ phiếu. VinGroup sẽ thu về 21.000 tỷ đồng tiền lãi trước thuế, tương đương 875 triệu đô la Mỹ, từ thương vụ này.
Điều đáng nói là, Vincom Retail là công ty đang làm ăn có lãi. Năm 2023, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, doanh thu tăng trưởng 33% và lợi nhuận tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh “đẹp như mơ” như thế, mà VinGroup buộc phải bán đi, có lẽ do VinGroup quá kẹt tiền.
Cũng trong năm 2023, VinFast đã thua lỗ đến 2,4 tỷ đô la Mỹ. Con số 875 triệu đô la Mỹ tiền lãi có được từ việc bán Vincom Retail, không thấm vào đâu so với khoản lỗ khổng lồ của VinFast. Có thể thấy, VinFast là đứa con đốt tiền nhiều nhất của VinGroup, trong khi đó, Vincom Retail đang có lời thì lại phải bán đi, để bù vào khoản lỗ của VinFast. Vậy thì, khác nào VinFast đốt tiền làm cháy luôn cả Vincom Retail?
Trong những đứa con của VinGroup, đáng lẽ, VinGroup cần phải bán đi VinFast, chứ không phải bán những công ty đang làm ăn có lời. Nhưng có lẽ, nếu rao bán VinFast thì cũng chẳng ai nhảy vào ôm của nợ này. Ông Phạm Nhật Vượng hiện nay như người đang “cưỡi trên lưng cọp”. Ông phải bám vào VinFast tới cùng, và phải tìm mọi hướng đi khả dĩ, để cứu VinFast ra khỏi tình trạng thua lỗ như hiện nay.
Có thể nói, thị trường Mỹ đang là nơi khiến VinFast đốt tiền khủng nhất, và mọi hy vọng tại đây đều đã bị dập tắt. Xe tại đây không bán được, hiện có khoảng 3.500 chiếc đã nhập vào Mỹ gần 2 năm vẫn còn nằm bãi.
Hồi đầu tháng 10/2023, giá cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq thủng mốc 10 đô la, ông Phạm Nhật Vượng đã cầu cứu Quỹ đầu tư Yorkville Advisors, và ký hợp đồng ghi nhớ với Quỹ này, với gói mua cổ phiếu 1 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, cổ phiếu của VinFast không những không lên mà còn thủng mốc 5 đô la Mỹ.
Khi VinFast ký hợp đồng ghi nhớ với Yorkville Advisors, chúng tôi đã có bài phân, tích đánh giá rằng, đây chỉ là động thái của VinFast để lấy lại lòng tin đối với nhà đầu tư, chứ không phải Yorkville Advisors xuống tiền mua cổ phiếu VFS thật. Nếu thị trường không có phản ứng tích cực, rất khó để Quỹ này xuống tiền mua VFS.
Tại Mỹ, xe VinFast bán không được, cổ phiếu rớt giá thê thảm. Dù đã cầu cứu Quỹ đầu tư, nhưng cổ phiếu vẫn tuột dốc, nhà máy thì đang nằm im chờ vốn, mà vốn thì chẳng thấy đâu. Con đường “Mỹ tiến” của VinFast là sai lầm lớn, khiến cho Phạm Nhật Vượng bị chôn chân, sa lầy tại đây. Tại Mỹ, đã không thể kiếm đâu ra tiền để cho bộ máy điều hành VinFast đốt.
Không biết hiện nay, VinGroup còn bao nhiêu công ty làm ăn có lãi. Nếu cứ túng thiếu lại mang những công ty này ra bán, thì chẳng mấy chốc sẽ “sạt nghiệp”.
Điều đáng nói là, khi kẹt tiền, ông Vượng chỉ có thể bán được những “con gà biết đẻ”, chứ bán “cỗ máy đốt tiền” thì không ai mua. Đấy là cái khó cho ông Phạm Nhật Vượng.
Hôm nay, Vincom Retail bị “cháy thành tro” vì VinFast đốt tiền, với đà đốt tiền năm sau cao hơn năm trước, thì e rằng, sẽ lại có thêm những đứa con khác của VinGroup, đặc biệt là những đứa “biết đẻ trứng” lại đội nói ra đi.
Để cứu vãn tình thế, VinGroup thì chỉ có bán VinFast, hoặc làm sao để VinFast đừng đốt thêm tiền nữa, nhưng cả hai biện pháp này đều không thực hiện được. Hiện giờ ông Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có giải pháp.
VinFast đốt tiền khiến người anh em Vincom Retail “ra tro”!
Quang Minh – Thoibao.de