Nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc dự kiến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất xe điện, quy mô khoảng 100ha tại Khu Công nghiệp Phú Hà, thuộc tỉnh Phú Thọ.
Hiện nay, BYD là hãng xe điện có doanh số lớn nhất thế giới, vượt qua Tesla, nếu tính luôn dòng xe hybrid. Đây là hãng xe đang lên trên thị trường thế giới. Họ đã đứng vững tại thị trường nội địa Trung Quốc với 1,4 dân, và đang từng bước phủ sóng tại thị trường Đông Nam Á. Tại Thái Lan, thương hiệu xe điện này đã trở nên phổ biến, chỉ mới một vài năm qua. Xem như thị trường Thái Lan đã chấp nhận thương hiệu này.
Với doanh số vượt qua Tesla, nhưng hãng BYD vẫn chưa tiến vào thị trường Mỹ, mà đang tìm cách chiếm lĩnh các thị trường dễ tính trước. Hồi đầu năm nay, đại diện BYD trả lời phỏng vấn của truyền thông rằng, hãng sẽ xác định địa điểm đặt nhà máy ở Mexico trước cuối năm nay, và sẽ sản xuất 150.000 xe/năm. Được biết, Mexico là thị trường 125 triệu dân, và cũng khá tương đồng với thị trường các nước đang phát triển, nhưng lại là quốc gia nằm trong khối Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA. Việc đầu tư nhà máy tại Mexico sẽ dễ dàng hơn, vì họ không áp đặt nhiều tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, ví dụ tiêu chuẩn về môi trường. Hơn nữa, nhân công Mexico cũng rẻ hơn nhân công Mỹ, nên xe sản xuất ra sẽ có giá thành mềm hơn xe sản xuất tại Mỹ.
Phạm Nhật Vượng đem quân “đổ bộ” sang Mỹ mà không nghiên cứu thị trường, không chuẩn bị kỹ, giờ đây đã bị sa lầy. Vốn cần thiết để xây dựng nhà máy và duy trì hoạt động vẫn chưa huy động đủ. Giả sử, VinFast có thể huy động đủ vốn để xây nhà máy tại Mỹ, thì xe VinFast sản xuất ra cũng bị đội giá, vì chi phí sản xuất cao. Trong khi đó, BYD sản xuất tại Mexico rồi xuất sang Mỹ, sẽ có ưu thế hơn về giá. Hơn nữa, xe sản xuất ra rồi bán ở thị trường Mexico cũng là giải pháp tốt.
Như vậy, trong khi Phạm Nhật Vượng mải mê “Mỹ tiến”, thì tại Việt Nam – sân nhà của VinFast, lại bị BYD lăm le “tấn công”. BYD đã khẳng định được vị thế tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, họ có thể hoàn toàn an tâm khi xâm nhập thị trường Việt Nam, bởi thị trường Việt Nam không thể khó hơn thị trường Thái Lan. Giả sử Việt Nam không chuộng xe BYD, thì các thị trường khác trong khu vực sẽ tiêu thụ.
Hàng Trung Quốc luôn có lợi thế cạnh tranh về giá so với hầu hết các nước trên thế giới. Do đó, việc cạnh tranh về giá với xe Trung Quốc là bất khả thi, VinFast chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng xe VinFast lại là một câu hỏi to tướng, với quá nhiều thông tin bất lợi. Thay vì tiếp thu góp ý, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng xe, thì ông Vượng lại chỉ quan tâm đến việc dập tắt những thông tin tiêu cực về VinFast. Đây là một điểm trừ rất lớn đối với VinFast trong ấn tượng của khách hàng và đối tác.
Chưa biết BYD có được người Việt ưa chuộng hay không, nhưng có một bất lợi rất lớn đối với hãng xe Trung Quốc. Đó là, người Việt rất ác cảm với hàng hoá, đặc biệt là xe giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên nhân là hàng Trung Quốc chất lượng quá thấp, thường xuyên hư hỏng. Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, xe máy Trung Quốc đã làm cho người Việt “tởn tới già”, vì chất lượng quá tệ và gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Không biết, BYD có thuyết phục được khách hàng Việt bỏ qua ác cảm với thương hiệu Trung Quốc hay không. Để làm được điều này, cần có chiến lược marketing đúng đắn, lâu dài và bền bỉ.
Tuy nhiên, dù người Việt không chuộng xe Tàu, thì BYD vẫn có thể xuất xe của họ sang các nước Đông Nam Á kế cận, với chi phí không quá cao. Đấy là sự khác biệt trong chiến lược xây dựng nhà máy của BYD và VinFast. BYD để lại đường lùi cho mình, còn VinFast thì không.
Đã tham gia sân chơi toàn cầu, thì VinFast cần xây dựng hệ thống phân phối và hậu mãi riêng, chuẩn hóa trên toàn cầu, như các hãng xe lớn trên thế giới đang làm. Nếu cứ chỉ dựa dẫm vào “lòng yêu nước”, thì VinFast không thể đấu nổi với BYD ngay trên sân nhà. Bởi hãng này đã thực hiện hệ thống phân phối và hậu mãi đạt tiêu chuẩn trên toàn cầu.
VinFast cần phải thay đổi nhiều, thì may ra mới không bị mất thị phần trên sân nhà.