Ngày 27/3, RFA Tiếng Việt cho hay “Ngoại trưởng Việt Nam trấn an bên ngoài về bất ổn nội bộ”.
Theo đó, sự kiện “từ chức” của ông Võ Văn Thưởng liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam, và không ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại, cũng như chính sách phát triển kinh tế của đất nước.
RFA cho biết, trong một buổi thảo luận ngày 26/3, do Viện Nghiên cứu Brookings chủ trì, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trình bày rằng, việc “Võ Văn Thưởng mất chức không ảnh hưởng đến chính sách chung” của Việt Nam.
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam có một tập thể lãnh đạo về chính sách phát triển kinh tế. Đại hội Đảng sẽ tổ chức 5 năm một lần, đặt ra chiến lược phát triển kinh tế về tất cả các lĩnh vực.
Ông nói: “Sự từ chức của Chủ tịch nước ở Việt Nam, tôi nghĩ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi… Ý tôi là, một hoặc hai nhân vật lãnh đạo không làm thay đổi tình hình.”
Đồng thời, ông Sơn một lần nữa nhấn mạnh lại lời đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, xem đây là động thái thúc đẩy mối quan hệ hai nước tốt đẹp hơn.
RFA dẫn lại lời yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Janet Yellen, rằng: “Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ có ý chí chính trị mạnh mẽ để công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, giống như Mỹ đã làm với Liên bang Nga.”
Bên cạnh đó, RFA dẫn phát biểu của Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Young Kim, cho rằng, nếu Việt Nam muốn Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, thì trước hết Hà Nội cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền, và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
RFA cũng cho biết, trong buổi thảo luận này, Ngoại trưởng Việt Nam công bố quan điểm chính thức về tầm nhìn của Việt Nam, đối với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, vừa được nâng cấp hồi tháng 9/2023.
Ngoài ra, vẫn theo RFA, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, để tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo hướng sau:
Đầu tiên củng cố niềm tin chính trị. Cả 2 nước cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi cấp cao, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và duy trì đối thoại thường xuyên.
Thứ hai là thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực như phục hồi của chuỗi cung ứng, kết nối cơ sở hạ tầng, kinh tế số, năng lượng, kinh tế xanh và logistics.
Thứ ba là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Việt Nam muốn được hỗ trợ trong hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Sự hợp tác trong lĩnh vực này có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị ở khu vực và toàn cầu.
Thứ tư là về trao đổi văn hóa, giáo dục đào tạo. Việt Nam muốn Hoa Kỳ sẽ mở rộng hỗ trợ nhiều hơn nữa, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam;
Thứ năm là phối hợp chặt chẽ hơn trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.
RFA cho biết thêm, ông Bùi Thanh Sơn đang dẫn đầu một phái đoàn Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ và tham dự Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết, cả 2 bên thảo luận về việc mở rộng hợp tác về nhân quyền, an ninh, giáo dục và văn hóa.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, tự cường và thịnh vượng, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định của khu vực.”
RFA dẫn tin từ một hãng quốc tế, theo đó, các nhóm nhân quyền, bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, cáo buộc Tổng thống Biden đã gạt các vấn đề nhân quyền sang một bên trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023.
Xuân Hưng – thoibao.de