Gần đây, xảy ra một số vụ việc “bốc hơi” tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng. Trong đó, có những khoản tiền gửi lên tới cả trăm tỷ đồng. Điều này đã khiến dư luận hết sức băn khoăn, lo lắng, về sự an toàn của tiền gửi tại các ngân hàng.
Đáng chú ý, khi sự việc xảy ra, các ngân hàng đều chối bỏ trách nhiệm. Trong khi, các cơ quan bảo vệ pháp luật thì lại đổ lỗi cho thủ phạm biển thủ, phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Báo Tiền Phong ngày 28/3 đưa tin “Đã khởi tố, bắt giam một Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB, vụ “bốc hơi” gần 340 tỷ”. Bản tin cho biết, chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã thông tin về việc khách hàng mất tiền tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).
Theo Thiếu tướng Tùng, ngày 10/10/2023, Cơ quan An ninh Điều tra đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB, về việc phát hiện bà Bùi Thị Hoài Anh, sinh năm 1984, là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt 165 tỷ đồng.
Ngày 18/10/2023, Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh, qua đó xác định 8 bị hại với số tiền bị “cướp” là 338 tỷ đồng. Công an Hà Nội chưa xác định thêm đồng phạm nào trong vụ lừa đảo này, và đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả lại cho những bị hại.
Tuyên bố này của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đã khiến mạng xã hội nổi sóng, vì cho rằng, Cơ quan Công an đã tạo điều kiện cho Ngân hàng MSB chối bỏ trách nhiệm của mình. Người gửi tiền, gửi cho Ngân hàng MSB, chứ không phải gửi cho bà Bùi Thị Hoài Anh.
Facebooker Huonghuyen Hoang cho rằng, “Những vụ tiền trong ngân hàng tự nhiên bốc hơi thì chỉ có nhân viên ngân hàng lấy cắp mà thôi. Trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Hàng hải, phải đền bù đầy đủ cho khách hàng, không liên quan đến việc thu hồi số tiền bị mất”.
Nhà báo Nguyễn Thiện trong status với tiêu đề, “Ai mới là người bị hại?”, cho rằng, “khi người dân gửi tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng, thì quan hệ giữa ngân hàng – khách hàng được xác lập, ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của khách hàng, cụ thể là phải đáp ứng yêu cầu rút tiền bất cứ khi nào khách hàng muốn”.
Thế nên, việc bà Bùi Thị Hoài Anh – Giám đốc chi nhánh MSB Thanh Xuân, chiếm đoạt số tiền 338 tỷ đồng, là chiếm đoạt tiền của Ngân hàng, chứ không phải của 8 bị hại. Bị can Hoài Anh lừa đảo là lừa đảo ngân hàng, chứ không phải lừa đảo 8 bị hại, như lãnh đạo Công an Hà Nội thông tin.
Nhà báo Nguyễn Thiện chua chát cảm thán, “Quả thật , tôi rất ngạc nhiên về lập luận của Phó Giám đốc Công an Hà Nội về vụ việc này!”.
Qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao.de nhận thấy, có một tình trạng phổ biến tại các ngân hàng, bất cả của nhà nước hay tư nhân, khi khách mất tiền trong tài khoản, ngân hàng đều chối bỏ trách nhiệm. Thậm chí, họ còn bắt khách hàng phải tự chứng minh lỗi không thuộc về khách hàng. Cuối cùng, những vụ như thế này đều phải giải quyết thông qua các vụ kiện cáo kéo dài, tạo tâm lý xấu cho người có tiền gửi.
Theo báo Thanh Niên, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm từng khẳng định:
“Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, Ngân hàng lập tức phải trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó.”
Một cựu chuyên viên Ngân hàng Nhà nước đã nghỉ hưu, nói với thoibao.de rằng, ngân hàng phải tiến hành bồi thường và chấn chỉnh hệ thống của mình, để giữ uy tín và tạo lòng tin cho khách hàng. Ông cho biết:
“Tôi nghĩ rằng, nếu đúng là tiền của khách hàng gửi trong ngân hàng bị “bốc hơi”, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm 100%. Ngân hàng không được phép đổ cho hacker hay hệ thống của mình, bởi vì đấy là trách nhiệm của ngân hàng và phải đền bù cho họ, bất luận là ai làm sai.”
Bình luận về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng vô trách nhiệm, của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định:
“Đây là một lỗi hệ thống của hệ thống ngân hàng, song ngân hàng lại một bộ phận nhỏ nằm trong một hệ thống lớn. Chừng nào cái gọi là sự tin cậy chung ở trong xã hội không cao và bị hủy hoại, thì chừng đó, sẽ không có sự phát triển bền vững và cái đó trở thành điều nguy hại cho nền kinh tế.”
Công luận cho rằng, đây là một lỗ hổng cũng như một lỗi trầm trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hơn thế nữa, theo pháp lệnh của Nhân hàng Nhà nước năm 2017, quy định, trường hợp ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường tối đa 75 triệu đồng. Điều đó đã khiến không ít người gửi tiền hoang mang, và lo lắng về tính an toàn khi gửi tiền tại các ngân hàng thương mại Việt Nam./.