Do tình trạng thời tiết ấm nóng toàn cầu cực đoan đang gia tăng, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào cao điểm của đợt nắng nóng, khô hạn, và xâm nhập mặn.
Nắng nóng đã kéo dài nhiều ngày qua, khiến nhiều kênh rạch, sông ngòi khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, cây trái cháy khô, chết hàng loạt. Nhưng mãi gần đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia mới đưa ra “dự đoán”, hiện tượng này “có thể tác động” đến nguồn nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, tại các tỉnh miền Tây như: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
VnExpress online ngày 6/4 đưa tin, “Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố hạn mặn, thiếu nước khẩn cấp”. Bản tin cho biết, tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Đây là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, sau khi hạn mặn khiến hàng chục nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua. Trong khi một số tỉnh khác ở khu vực này, bao gồm cả Sài Gòn, cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Truyền thông nhà nước gần đây liên tục đưa tin, và cảnh báo, hạn mặn năm nay sẽ khiến hàng vạn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới.
Vẫn theo VnExpress, huyện Tân Phú Đông hiện đang có 44.000 người dân sử dụng nước máy, với nhu cầu hơn 10.000 m3 một ngày đêm. Hiện, nước máy lẫn nguồn nước tự cung cấp của người dân chỉ khoảng 8.000 m3, còn thiếu khoảng 2.000 m3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, việc xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015 – 2016 và 2019 – 2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4 và tháng 5/2024. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, nhiều người nghi ngờ dự đoán này, và cho rằng, hạn hán và xâm nhập mặn năm nay sẽ tồi tệ nhất trong lịch sử.
Do hạn mặn, một số nhà máy nước đã thiếu nước, và tình trạng này đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Tây. Đó là lý do, ở một số địa phương, người dân phải mua nước hay cầm xô chậu đi xếp hàng lấy nước.
Một nông dân ở tỉnh Bến Tre, không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói với phóng viên của thoibao.de rằng:
“Nước mặn xâm nhập mấy năm nay cũng mấy đợt rồi, vất vả lắm. Người nông dân chúng tôi là chịu thiệt thòi nhất. Đến giờ, năm nào mặn xâm nhập vào thì người dân ở đây toàn sống chung với mặn. Bà con tích trữ nước mưa ở các bồn chứa lớn, để sử dụng cho mùa khô.”
Qua tìm hiểu, các chuyên gia về Đồng bằng Sông Cửu long cho biết, nguyên nhân chính khiến Đồng bằng Sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm vào đầu mùa khô, là do các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và Lào hạn chế xả nước. Các nhà máy thuỷ điện vốn sử dụng sức nước chảy từ cao xuống để phát điện, điều này đã khiền dòng chảy về khu vực đồng bằng bị giảm mạnh.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ đánh giá, xâm nhập mặn là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, do biến đổi khí hậu và tác động từ phía thượng nguồn ở Trung Quốc. Do đó, chúng ta phải biết sử dụng nước ngọt theo cách thông minh và tiết kiệm hơn, để giảm nguy cơ bị hạn mặn xâm nhập tác động.
Về giải pháp ứng phó với vấn đề xâm nhập mặn, một giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ cho rằng, “bà con nông dân không nên xuống giống trồng trọt; thay vào đó là trữ nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và cho thủy sản. Cuối cùng, nếu vẫn còn dư nước thì mới dùng cho các loại cây ít sử dụng nước. Có như vậy, mới hy vọng có thể cầm cự qua được giai đoạn khô hạn như hiện nay.”
Ủy hội Sông Mekong, trong những năm gần đây, đã nhiều lần cảnh báo về thực trạng nước sông Mekong đang ở mức thấp “đáng lo ngại”, phần lớn vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn.
Được biết, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Các chuyên gia môi trường từng nhận định, những con đập thủy điện của Trung Quốc không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường, mà còn làm giảm lượng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn, và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông cũng như của Đồng bằng sông Cửu Long./.
Trà My – Thoibao.de