Cổ phiếu tuột dốc, VinFast đối mặt với kiện tụng ở Mỹ

Ngày 15/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Vụ kiện tập thể VinFast: Hai hãng luật đã đệ đơn tại toà án quận ở New York”.

RFA cho hay, một đài địa phương của tiểu bang Utah dẫn thông cáo báo chí từ hãng luật Pomerantz, hôm 12/4, cho biết, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình, chống lại Công ty VinFast và một số lãnh đạo nhất định, tại Tòa án Quận phía Đông New York, và được ghi trong hồ sơ số 24-cv-02750.

Hãng luật này thông báo, những ai là cổ đông đã mua hoặc mua lại chứng khoán VinFast trong thời gian từ ngày 15/8/2023 đến ngày 17/1/2024, có thể yêu cầu Tòa án bổ nhiệm làm Nguyên đơn chính của vụ kiện, có thời hạn đến ngày 11/6.

Bên cạnh đó, RFA cũng cho hay, Công ty luật Robbins Geller cũng có thông cáo báo chí cho biết thêm, vụ kiện có tên là “Comeau kiện VinFast Auto Ltd.” theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934.

Theo RFA, bị đơn của vụ kiện này là Công ty VinFast ở Mỹ, cùng hàng loạt các lãnh đạo, như Phạm Nhật Vượng, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Thị Vân Trinh… và tòa cũng đã ban hành lệnh triệu tập.

Nguyên đơn là Jeremie Comeau và Thẩm phán chủ tọa là Robert M Levy.

Hãng luật Robbins Geller cho biết, cáo buộc của vụ kiện này là, VinFast tự mô tả mình là “một nền tảng di chuyển toàn diện, sáng tạo, tập trung chủ yếu vào thiết kế và sản xuất xe điện, xe máy điện và xe buýt điện cao cấp”.

RFA cho biết, vụ kiện tập thể của VinFast cáo buộc rằng, các bị cáo trong suốt 4 tháng cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024, cũng như trong các tài liệu chào bán, đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật và/hoặc gây nhầm lẫn, và/hoặc không tiết lộ rằng: VinFast thiếu vốn để thực hiện chiến lược tăng trưởng mục tiêu của mình; VinFast sẽ không thể đạt mục tiêu giao hàng năm 2023; và theo đó, VinFast đã cường điệu hóa sức mạnh của mô hình kinh doanh và năng lực hoạt động, cũng như triển vọng kinh doanh và/hoặc tài chính sau sáp nhập.

Vẫn theo RFA, vụ kiện tập thể VinFast còn cáo buộc rằng, vào ngày 15/10/2023, một hãng tin quốc tế đã xuất bản một bài báo có tựa đề “VinFast mở rộng sang Đông Nam Á, huy động thêm vốn”, trong đó tiết lộ, VinFast sẽ cần huy động “rất nhiều vốn” để tiếp thêm cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của mình, và sẽ “dựa vào sự hỗ trợ (tài chính) từ Công ty mẹ VinGroup và người sáng lập Phạm Nhật Vượng trong 18 tháng tới”.

Trước thông tin này, giá cổ phiếu phổ thông của VinFast đã giảm hơn 18%, theo đơn khiếu nại.

Sau đó, vào ngày 18/1/2024, đơn khiếu nại tiếp tục cáo buộc rằng, VinFast tiết lộ, họ đã giao tổng cộng 34.855 xe điện vào năm 2023, và không đạt được mục tiêu giao hàng hàng. Giá cổ phiếu của VinFast cũng đã giảm theo sau tin tức này.

RFA tiếp tục cho biết, hồi tháng 11/2023, 2 hãng luật tư nhân tại Mỹ là Robbins Geller Rudman & Dowd cùng với Pomerantz, đã ra thông báo tìm kiếm khách hàng có nhu cầu điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Liên bang Mỹ của Công ty VinFast.

Khi đó, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn VinGroup, kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, cho rằng, việc kiện tụng tại Mỹ là hết sức bình thường. VinFast sẵn sàng cho kiện tụng từ khi bắt đầu triển khai kinh doanh tại Mỹ và “luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường”.

RFA cho biết thêm, khi sáp nhập với mục đích phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq, vào tháng 8/2023, cổ phiếu VFS nhanh chóng đạt đỉnh với giá hơn 92 USD, nhưng chỉ còn lại khoảng 5 đô la ở thời điểm 2 công ty luật nói trên thông báo tìm kiếm khách hàng để kiện.

Cho đến nay, cổ phiếu của VinFast đã đâm thủng đáy 4 đô la, và chỉ còn khoảng 3,6 USD/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch chiều 12/4.

 

Thu Phương – thoibao.de