Ngày 17/4, BBC Tiếng Việt có bài “Bơm 24 tỷ cứu SCB: Cuộc giải cứu “chưa từng có tiền lệ” của Việt Nam”.
BBC dẫn thông tin độc quyền của một hãng tin quốc tế cho hay, Việt Nam đã tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), hiện đang chìm trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất nước.
Theo đó, nguồn tin không nêu danh tính cho hãng tin trên biết, “Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ”, nhưng “Nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt.”
Tình huống này được mô tả là “chưa từng có”, do khối lượng tiền mặt khổng lồ (24 tỷ USD) được bơm vào, sự phức tạp của hoạt động, cũng như quy mô thiệt hại hiện tại và nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Hãng tin quốc tế trên không thể xác định, liệu các quan chức khác đang tham gia giám sát SCB, có chung nhận định như trên về tác động đối với kho bạc nhà nước hay không.
BBC cho biết, nợ công của Việt Nam năm 2023 ổn định ở mức 37% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo BBC, các khoản tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam âm thầm bơm cho SCB từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, để chi trả cho việc rút tiền mặt ồ ạt của người gửi, chiếm tới 5,6% tổng sản lượng kinh tế hằng năm của Việt Nam, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Nhưng các khoản bơm này chưa từng được báo chí đưa tin.
BBC dẫn một nguồn tin chính thức cho hay, sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, giám sát SCB, tiền gửi của SCB đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào tháng 12/2023.
SCB có thể hết tiền gửi vào giữa năm nay với tốc độ hiện tại, và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB, tính đến tháng 10.
Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, bất chấp sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2023, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản, và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.
BBC dẫn bình luận của hãng tin quốc tế, cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao, do tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Việc truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tài chính là một phần trong chiến dịch “đốt lò” của chính quyền, đã gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, đè nặng lên nền kinh tế và phủ bóng lên triển vọng của các ngân hàng.
BBC dẫn truyền thông quốc doanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, dù quy định hiện hành có giới hạn trần 30% về tổng sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Công ty bất động sản tư nhân Sungroup xây dựng kế hoạch tái cơ cấu SCB. Tuy nhiên, hãng tin quốc tế không thể xác định, liệu kế hoạch của Sungroup có được thông qua hay không.
Vẫn theo BBC, bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào cũng sẽ xoay quanh việc đánh giá tài sản, bất động sản, mà bà Lan và các công ty của bà sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Nhưng tình trạng pháp lý của những tài sản đó thường không rõ ràng, vì nhiều tài sản vẫn đang chờ cấp phép, trong khi một số tài sản khác vi phạm các quy định về đất công hoặc giấy phép xây dựng.
Một số tài sản bao gồm bất động sản có giá trị, nằm tại các quận cao cấp ở Sài Gòn, nhưng phần lớn là những dự án chưa hoàn thiện.
Ý Nhi – thoibao.de