Ngày 21/4, VOA Tiếng Việt cho hay “Việt Nam giải thích về 24 tỷ USD cứu SCB, chuyên gia nói “thuốc chữa bệnh” quan trọng hơn “thuốc bổ”’.
VOA dẫn lời ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói hôm 19/4 rằng, khi SCB rơi vào tình trạng khó khăn, mất cân đối thanh khoản và “khủng hoảng” vào tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kịp thời và cần thiết để ổn định tình hình, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung cũng như hệ thống tài chính của quốc gia.
Tuy ông Tú không cho biết chính xác số tiền đã “bơm” để cứu SCB là bao nhiêu, nhưng VOA dẫn bản tin độc quyền của hãng tin quốc tế, hôm 17/4 cho biết, tính đến đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 24 tỷ đô la qua “các khoản vay đặc biệt” dành cho SCB.
VOA cũng dẫn nhận định của Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Giáo sư Đại Học chương trình Thạc sĩ MBA và từng là Giám đốc Kiểm toán và Giám đốc Tài chính (CFO) cho những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, cho rằng “đây là chuyện làm đúng của Ngân hàng Nhà nước”.
Ông Lộc giải thích, động thái này có tác dụng “trấn an” người dân, để họ không ồ ạt rút tiền, dẫn đến sự sụp đổ của SCB và nguy cơ lớn cho cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là một “liều thuốc bổ” tạm thời, mà không có tác dụng “chữa trị” lâu dài. Về lâu dài, Việt Nam phải chữa bệnh cho SCB và hệ thống ngân hàng, “bằng cách, số tiền này phải được tiêu xài với một hội đồng kiểm soát và điều chỉnh việc chi tiêu ở đâu, tái cơ cấu như thế nào, và những điều này cần phải được đưa lên mạng, lên đài truyền hình… để dân chúng biết hệ thống tái cơ cấu như thế nào”, Tiến sĩ Lộc nói.
Ngoài ra, theo ông, còn “rất nhiều vấn đề” cần phải giải quyết để ổn định SCB, trong đó có việc xử lý đống nợ xấu, vốn đã tồn đọng từ trước đó, khi 3 ngân hàng được gộp lại.
Theo Tiến sĩ Lộc, bên cạnh việc bơm tiền, những tài sản của bà Trương Mỹ Lan thuộc diện phải tịch thu, thì cần phải thu hồi ngay, để có thể dùng làm tài sản “thế chân” cho gói cứu trợ 24 tỷ USD. Điều này sẽ có hai tác dụng: Giữ cho khối tài sản không bị mất giá; và Ngân hàng Nhà nước có tài sản để bảo đảm. Ông Lộc giải thích, động tác này tương tự như chương trình “Quá lớn để sụp đổ” vào năm 2008 tại Hoa Kỳ, khi Chính phủ Obama đưa ra gói tài trợ hàng chục tỷ đô la, nhưng sau đó đã thu lại cả vốn lẫn lãi.
Theo VOA, “quá lớn để sụp đổ” là thuật ngữ chỉ các tổ chức tài chính ngân hàng có ảnh hưởng kinh tế đáng kể đến hệ thống tài chính, và nếu chúng thất bại, có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế khu vực hay toàn cầu.
VOA dẫn đánh giá của một hãng thông tấn Anh, cho rằng, việc bơm 24 tỷ USD (khoảng 5,6% GDP) để cứu SCB, không phải là một con số quá lớn, so với mức chi trung bình của các chính phủ, để giải cứu các ngân hàng. Nhưng động thái này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư, về tính bất ổn của kinh tế Việt Nam, trong lúc, các công ty đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc. Và việc này giống như “lời cảnh tỉnh” đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc lại cho rằng, chiều hướng dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn quốc tế sẽ vẫn tiếp diễn. Bởi, các công ty nước ngoài không bị ảnh hưởng nhiều, và “đầu tư tại Việt Nam vẫn có lợi hơn đầu tư ở Trung Quốc, vì những yếu tố rất phức tạp bên Trung Quốc”.
“Dĩ nhiên, đây là điều không tốt, nó làm cản trở, như chiếc xe bị rà thắng phần nào, nhưng nó không làm chiếc xe ngừng lại hay thụt lùi.”
Vẫn theo Tiến sĩ Lộc, thông thường tại Mỹ, để giải quyết vấn đề ngân hàng khủng hoảng như SCB, người ta thường chọn một trong hai giải pháp: phá sản hoặc cứu trợ, tuỳ theo từng trường hợp. Đa số, Hoa Kỳ sẽ để cho các ngân hàng phá sản, chỉ những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” thì mới cứu trợ, nếu cứu được.
Thu Phương – thoibao.de