Những ngày qua, giá cổ phiếu VFS của VinFast ngụp lặn ở mức dưới 3 USD. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự đoán, giá cổ phiếu VFS có thể thủng mốc 2 USD.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá cổ phiếu VFS rớt giá thảm hại như hiện nay. Một trong số các nguyên nhân, đó là, có 2 công ty luật uy tín tại Mỹ đã tiến hành khởi kiện VinFast, vì cho rằng đưa thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn, đánh lừa nhà đầu tư. Vụ kiện này cho thấy, thói quen huênh hoang, thiếu trung thực, và tuyên truyền quá sự thật theo kiểu “tốt khoe xấu che”, nhằm mục đích chiêu dụ nhà đầu tư, mà VinFast vẫn sử dụng tốt ở Việt Nam, đến Mỹ đã không còn đất sống nữa.
Việt dẫn dụ nhà đầu tư – nói theo ngôn ngữ dân dã là “lùa gà”. Hành động “lùa gà” là chuyện bình thường, diễn ra hàng ngày, và xảy ra ở mọi công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng tại Mỹ, đây là hành động phạm pháp. Bởi tập quán và luật pháp Mỹ đề cao sự minh bạch và trung thực. Những hành vi gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, chứ không thể dựa vào các mối quan hệ.
Xem như, VinFast cố tham gia thị trường chứng khoán Mỹ, tưởng sẽ thành công “lùa gà”, nhưng lại phạm vào điều “đại kỵ” của thể chế Mỹ. Rất khó để VinFast có thể lấy lại hình ảnh được nữa, và việc các nhà đầu tư rời xa cổ phiếu VFS là điều khó tránh khỏi. Hậu quả nhãn tiền, nhà máy VinFast tại Mỹ đã không thể huy động đủ vốn cần thiết để thi công, nên vẫn đang bị “treo” và phải xin giảm 20% diện tích xây dựng nhà máy.
Cơ hội gọi vốn tại thị trường Nasdaq đã hoàn toàn khép với VinFast. Giờ đây, VinFast muốn thực hiện tiến độ xây dựng nhà máy tại Mỹ theo kế hoạch, thì chỉ có thể rút vốn từ VinGroup và cá nhân ông Vượng.
Nhưng nếu ông Vượng chuyển vốn từ VinGroup tại Việt Nam sang Mỹ, thì đấy là một rủi ro cực lớn. Thứ nhất, có khả năng, chính quyền Việt Nam sẽ không dễ dàng cho VinGroup chuyển tiền đi, vì từ trước đến nay, chính quyền luôn tìm cách chặn dòng chảy ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài. Thứ nhì, nếu chuyển vốn từ VinGroup cho VinFast đốt, thì có thể gây ra rủi ro tài chính cho toàn bộ Tập đoàn, bởi VinFast chính là cái thùng không đáy, đổ bao nhiêu cũng không đủ.
Hoạ vô đơn chí, trong lúc khó khăn ngập đầu, mới đây, nhiều kênh truyền thông ở Mỹ đã loan tin về một vụ tai nạn thảm khốc, theo đó, một chiếc ô tô hiệu VinFast đã bị tai nạn và bốc cháy tại thành phố Pleasanton, miền bắc bang California, khiến cả 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Hiện nguyên nhân tai nạn chưa được tiết lộ, tuy nhiên, do có yếu tố xe thuần điện bị cháy, khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về tính an toàn của xe VinFast. Mà ở Mỹ, chỉ cần dư luận đặt nghi vấn về chất lượng, cũng đủ để kéo thương hiệu này xuống đáy.
Huy động vốn không được, hàng sản xuất ra bị lỗi, nợ nần ngập đầu, lại còn dính một loạt vụ kiện tụng… như vậy, việc con tàu VinFast chìm xuống đáy chỉ là vấn đề thời gian, khó mà cứu vãn.
Tại thị trường Mỹ, nếu lấy được tiếng thơm, thì có thể sẽ lan toả khắp thế giới. Ngược lại, nếu bị tiếng xấu, thì cũng rất dễ lan ra khắp thế giới.
Những thông tin về hoạt động cũng như chất lượng xe VinFast tại Mỹ, sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy đối với các khách hàng ở Ấn Độ, ở các nước Đông Nam Á, muốn tìm hiểu về thương hiệu này. Thực tế đã cho thấy, những nhận xét tiêu cực về VinFast tại Mỹ đã khiến công ty này gặp khó khăn, khi mở rộng thị trường ở các nước khác. Cụ thể, tại triển lãm Bangkok Motor Show vừa qua, VinFast đã không nhận được bất kỳ đơn hàng nào, là kết quả nhãn tiền của việc làm ăn dối trá.
Ngày 25/4, tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố “VinFast là sứ mệnh, danh dự và tương lai của VinGroup, nên chúng tôi không bao giờ buông”.
Không biết, đấy chỉ là lời trấn an đối với các nhà đầu tư, hay ông Vượng thật sự cố bám vào VinFast? Có lẽ, ông Vượng không thể buông VinFast thì đúng hơn, lỡ đâm lao thì phải theo lao. Có quá nhiều diễn biến tồi tệ với VinFast tại Mỹ, thậm chí là có nguy cơ dính líu đến luật pháp, và rất khó đảo ngược tình thế, nên ông Phạm Nhật Vượng không thể dễ dàng rút đi.
Hoàng Anh – Thoibao.de