VOA Tiếng Việt ngày 28/4 bình luận “Từ vụ Vương Đình Huệ: Tại sao các quan lớn Việt Nam có “sân sau”?”
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã phanh phui ra 2 tập đoàn có quan hệ dây mơ rễ má với các quan chức, từ cấp tỉnh lên đến cấp Trung ương: Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An.
VOA dẫn nhận định của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng:
“Tình trạng sân sau có sự can thiệp của những người có quyền lực là hệ quả của một hệ thống pháp luật không cụ thể và chồng chéo, trùng lắp và có điểm mâu thuẫn với nhau.”
Ông Doanh chỉ ra ví dụ, Luật Đất đai có nội dung liên quan nhưng lại chỏi nhau với Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Điều đó khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro pháp lý, vì hoạt động của họ có thể phù hợp với điều luật này nhưng lại vi phạm điều luật khác. Do đó, họ phải tìm đến sự bảo trợ của các quan chức.
“Theo cảm quan của tôi và qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp tư nhân khi muốn kinh doanh ở Việt Nam, đều muốn có mối quan hệ và được sự che chở của một hay nhiều người có quyền lực, liên quan đến lĩnh vực họ kinh doanh. Điều ấy sẽ dẫn đến môi trường kinh doanh không công khai, không minh bạch, không trong sạch, và có thể bị bóp méo, vì những lợi thế không phải năng suất lao động, không phải do tiến bộ khoa học kỹ thuật,” ông Doanh nói.
VOA dẫn quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói rằng, trong một nền kinh tế phát triển khá nhanh như Việt Nam, thì “chắc chắn sẽ xảy ra” tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nghiệp để chia chác thành quả, cũng như tài nguyên đất nước.
Theo quan sát của ông A, thì lương quan chức hiện giờ “rất thấp so với các doanh nhân”. “Từ mớ bòng bong đó dẫn đến một khế ước xã hội ngầm là phải chia chác bằng một cách gì đấy phần lợi nhuận sinh ra.”
“Khi cơ hội nảy sinh thì không thể không có chuyện người ta bằng cách này hay cách kia tham nhũng”, dễ nhất là “quyền quản lý đất, quyền cấp phép cái này, cái kia, tạo điều kiện trúng thầu”.
Ông A cho biết, tình trạng này đã xảy ra ở Việt Nam được 30 – 40 năm rồi, và “quy mô hành vi ngày càng lớn theo quy mô nền kinh tế” và “không chỉ ở các quan chức cấp cao trong phạm vi Tứ trụ, mà là toàn bộ bộ máy Nhà nước”.
“Có một nghịch lý là, thu nhập chính thức của các quan chức Nhà nước, từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, rất thấp so với mặt bằng thị trường, nhưng ai cũng muốn chạy để vào được các chức đấy,” ông chỉ ra.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì chỉ ra:
“Tình trạng này xuất hiện bởi vì hiện nay cơ chế giám sát quyền lực của Việt Nam vẫn còn có những lỗ hổng.”
VOA cũng dẫn lời Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nói rằng:
“Đây là một hiện tượng không tốt cho phát triển kinh tế nhất là nhìn trong dài hạn, nguồn lực phát triển méo mó và gây ảnh hưởng niềm tin xã hội vào con đường phát triển, cải cách của Việt Nam.”
Ông giải thích, việc các doanh nghiệp đưa tiền bôi trơn cho các quan chức, sẽ “dẫn đến nguồn lực bị phân bổ méo mó, vì nó không dựa trên các yếu tố cạnh tranh, minh bạch” và khiến “nguồn lực không được phân bổ đến nơi tốt nhất có thể”.
Về cách giải quyết, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện môi trường luật pháp, để rõ ràng hơn, công khai hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam “hiện vẫn ở mức trung bình thấp”.
Ông Doanh cho rằng, cần “phải chuyển đổi mạnh sang kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử, mới cải thiện được tình hình hiện nay” và Chính phủ Việt Nam cũng cần phải ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát quyền lực.
Quang Minh – thoibao.de